Hủy ''bảo mật thông tin'' của Vua rác: Nhìn lại Đa Phước

Long An sẽ không chấp nhận dự án nếu chủ đầu tư không đảm bảo đúng công nghệ hiện đại, có nguy cơ xảy ra tình trạng ô nhiễm''

Dễ hiểu nhầm

Ngày 9/10, ông Lê Tấn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh vừa thu hồi văn bản "bảo mật thông tin dự án Khu công nghiệp môi trường xanh" tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa do Công ty cổ phần xử lý chất thải Việt Nam - Long An (Vietnam Waste Solutions LA- VWS) làm chủ đầu tư.

Văn bản bảo mật thông tin của UBND tỉnh Long An

Theo ông Dũng, việc thu hồi là do văn bản có nội dung chưa rõ, gây hiểu nhầm về tính công khai minh bạch của dự án.

Cũng theo ông Dũng, những thông tin liên quan đến mùi hôi tại bãi rác Đa Phước TP.HCM trong thời gian qua là một kinh nghiệm của UBND tỉnh Long An trong việc giám sát các dự án ảnh hưởng đến môi trường.

''Long An sẽ không chấp nhận dự án nếu chủ đầu tư không đảm bảo đúng công nghệ hiện đại, có nguy cơ xảy ra tình trạng ô nhiễm'', ông Dũng nói.

Trước đó, ngày 25/5, ông Đỗ Hữu Lâm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký văn bản chấp nhận yêu cầu "bảo mật thông tin" của Công ty VWS gửi đến các sở, ngành và huyện Thủ Thừa.

Tuy nhiên, gầy đây văn bản này đã tràn lan trên mạng xã hội khiến dư luận tỏ ra nghi ngờ rằng, vì lý do gì mà VWS phải bảo mật thông tin, liệu có nội tình gì ''khó nói'' bên trong vụ việc này.

Ngay sau khi thông tin trên lan tràn trên mạng xã hội, ngày 2/10 ông Phạm Văn Rạnh - Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, sẽ kiểm tra lại việc ''bảo mật thông tin dự án Khu công nghệ môi trường xanh'' tại tỉnh Long An. Dự án này của ông David Dương - ông chủ bãi rác Đa Phước đang gây ô nhiễm một vùng rộng lớn tại TPHCM.

''Từ trước đến nay, tất cả các dự án tại Long An đều công khai, minh bạch, không có gì phải bí mật. Sáng thứ Hai tôi sẽ yêu cầu kiểm tra lại thông tin này'', ông Rạnh nói.

Dự án Khu công nghệ môi trường xanh được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/9/2015, có thể tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn chất thải các loại/ngày cho cả Long An và TP HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 450 triệu USD, tổng diện tích 1.760ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An.

Với diện tích lớn như vậy, dự án tại Long An của ông David Dương rộng gấp 13 lần so với bãi rác Đa Phước - cũng của ông David Dương.

Hiện bãi rác Đa Phước đang gây hôi thối cả một vùng rộng lớn phía nam TPHCM, đồng thời bãi rác này mới gửi văn bản đề nghị ngưng xử lý rác và trả lại cho thành phố 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Thực lực của CWS

Ông David Dương, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước ở TP.HCM, tên tiếng Việt là Dương Tử Trung. Cha ông là Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Cogido.

Sau khi định cư ở bang California cuối những năm 1970, gia đình David Dương làm việc chăm chỉ và rồi thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS) vào năm 1991.

Hiện tại, ông David Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của CWS, công ty được xếp hạng 37 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ do tạp chí Waste Age bình chọn.

Việc xây dựng các mối quan hệ là điều luôn được ông David Dương quan tâm tới. Năm 1994, khi đoàn công tác của một Phó chủ tịch UBND TP.HCM lần đầu tới San Francisco (Mỹ), David Dương là một trong những thương nhân Việt kiều đầu tiên tới gặp đoàn.

Tuy nhiên, đầu năm nay, trên Mercury News, cây bút Scott Herohold đã chỉ trích hoạt động tái chế rác của CWS ở San Jose là ''thiếu hiệu quả'' và cho rằng người dân TP không nên tiếp tục dùng dịch vụ của CWS.

Tư vấn của chính quyền thành phố San Jose cũng kết luận thiết bị của CWS đã cũ kỹ và thiếu công nhân. Sản phẩm tái chế mà CWS làm ra cũng bị coi là bẩn và chất lượng không cao. Theo ông, quy chuẩn cho các công trình này sẽ cần ít nhất từ 6-8 công nhân bảo dưỡng, riêng CWS chỉ có 1 công nhân trong ca, và hai công nhân vào các giờ thông thường.

Bài báo cũng dẫn chỉ trích về cách vận hành của CWS khi công ty này gửi ít nhất 3.600 thông báo không thu gom rác mỗi tháng (về cơ bản là từ chối thu gom rác của người dân). Các công ty khác thường chỉ có khoảng 11 thông báo từ chối như vậy.

Theo Mercury News, CWS đang đối mặt với án phạt từ 500.000-600.000 USD trong năm nay do không đạt được mục tiêu tái chế thỏa thuận với thành phố. Trước đó, tháng 12/2006, CWS từng bị cơ quan môi trường liên bang EPA yêu cầu chấm dứt hoạt động rò rỉ nước gây ô nhiễm vùng vịnh ở San Francisco.

Dương Châu (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/huy-bao-mat-thong-tin-cua-vua-rac-nhin-lai-da-phuoc-3320466/