Hương vị Tết ở những làng nghề hàng trăm năm tuổi

Tại Thừa Thiên Huế, những ngày giáp Tết cổ truyền, không khí tại các làng nghề hàng trăm năm tuổi trở nên nhộn nhịp bởi nhà nhà tất bật chuẩn bị sản xuất để phục vụ nhu cầu 'ăn Tết'. Không chỉ tạo thu nhập chính cho người nông dân mà các làng nghề còn lưu giữ sản phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Hai trong số hàng chục làng nghề ở Thừa Thiên Huế có tuổi đời lâu năm, nức tiếng trong và ngoài nước, đó là làng hoa giấy Thanh Tiên và bánh tét làng Chuồn.

Rực rỡ hoa giấy Thanh Tiên

Nằm cuối hạ lưu sông Hương, những ngày này, hàng chục hộ dân làm nghề hoa giấy Thanh Tiên ở xã Phú Mậu (TP Huế) đang hối hả sản xuất hàng để phục vụ thị trường Tết. Theo các bậc cao niên, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian và gần đây đã trở thành loại hoa trang trí tại các lễ hội, các khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, 64 tuổi, cơ sở làm hoa giấy Thanh Tiên quy mô trong làng và cũng là nơi du khách thường xuyên dừng chân tham quan miễn phí, trải nghiệm làm hoa giấy.

Hoa sen giấy Thanh Tiên được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong căn nhà rộng hàng trăm mét vuông, đi đâu cũng thấy hoa giấy ngũ sắc rực rỡ, lung linh đã thành phẩm được xếp thành từng bó chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Với bàn tay khéo léo, những người làm hoa giấy Thanh Tiên mô phỏng lại hình ảnh của các loại hoa tự nhiên như: loa kèn, hoa cúc, hoa tường vi, hoa sen, hoa dã quỳ…một cách sắc nét, chân thực. Đôi tay vừa thoăn thoắt thực hiện các công đoạn làm hoa giấy, bà Tâm cho biết vợ chồng bà gắn bó với nghề hơn 40 năm nay. “Trước đây, ông cha tôi cũng theo nghề này và truyền lại cho con cái, giờ con trai tôi cũng theo nghề làm hoa giấy. Đây là thời điểm nước rút nên phải làm liên tục, làm ngày làm đêm mới kịp phục vụ thị trường Tết cổ truyền”, bà Tâm cho biết.

Nguyên liệu để làm nên hoa giấy Thanh Tiên chính là cây tre được chẻ ra thành từng que nhỏ và giấy thủ công học sinh, hồ dán. Công đoạn làm hoa đều bằng thủ công. Dù phải thực hiện nhiều công đoạn, rất mất thời gian nhưng loại hoa thành phẩm này chỉ có giá 20 nghìn đồng/cặp (hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa loa kèn…); 20-50 nghìn đồng/bông (đối với bông sen tùy kích cỡ).

Những người làm hoa giấy Thanh Tiên thâm niên cho biết, mỗi cành hoa giấy có 8 bông hoa, trong đó 3 bông hoa ở giữa tượng trưng cho Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín. Những cành hoa giấy thể hiện sự đoàn kết vi quý trong gia đình nên người làm hoa thường chọn những sắc màu như xanh dương, xanh lá, vàng, cam, đỏ để làm hoa, tránh màu buồn như màu tím, trắng.

Thời gian gần đây, hoa sen giấy Thanh Tiên đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh,thành trong toàn quốc và còn xuất sang châu Âu, châu Mỹ, châu Úc qua khách du lịch khi đến Huế. Bên cạnh đó, hoa sen giấy Thanh Tiên đã được làm biểu tượng trong các lễ hội, trưng bày tại các điểm nghỉ dưỡng, khu du lịch, trung tâm thương mại lớn… “Hoa giấy Thanh Tiên nhận được nhiều đơn đặt hàng, các hộ dân rất phấn khởi khi có thêm việc làm. Đây cũng là động lực giúp người dân bảo tồn và phát triển làng nghề. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức lớp đào tạo nghề làm hoa giấy”, ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết thêm.

Bánh tét làng Chuồn đi Tây

Làng Chuồn thuộc thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) nép mình bên bờ phá Tam Giang. Cứ vào đầu tháng 12 âm lịch, gần trăm hộ dân ở làng Chuồn “nổi lửa” vào vụ làm bánh tét, bánh chưng bán Tết.

Để có đòn bánh tét ngon, người dân làng Chuồn phải chọn loại nếp thơm, dẻo được trồng cấy ở ruộng của làng.

Đến làng nghề này, chúng tôi được kể, cách đây khoảng 500 năm, làng Chuồn đã khoanh vùng khoảng 20 ha ruộng để chuyên trồng loại lúa nếp ngon, gọi là nếp Tây và rất thơm, dẻo. Thời đó, theo lệnh của làng, cứ đến vụ, nhà nào được trồng lúa ở khu ruộng này đều phải nộp cho làng ít nếp để gói bánh tét dâng Vua vào dịp Tết. Đến bây giờ, người làng Chuồn vẫn giữ khu ruộng đó để trồng lúa Tây gói bánh tét.

Chị Nguyễn Thị Phương Uyên (29 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế),Việt kiều Canada cho biết đã hơn 5 năm nay, do công việc nên dịp Tết chị không được về quê ăn Tết cùng người thân. Cũng như mọi năm, vừa rồi, chị nhờ người thân đặt mua cho chị 20 đòn bánh tét loại đặc biệt để gửi qua ăn Tết cùng với gia đình, bạn bè ở đất khách. “Cứ mỗi lần Tết về, xem ti vi về bà con ở Việt Nam đang chuẩn bị mứt, bánh đón Tết, khóe mắt mình lại cay cay và bỗng dưng thấy nhớ, thèm bánh tét làng Chuồn. Và năm nào mình cũng may mắn được người thân ở Huế đóng 1 thùng bánh tét gửi qua. Không chỉ ăn bánh tét cho thỏa cơm thèm mà món ăn này giúp mình đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương và cảm giác như mình đang ăn Tết trên chính quê hương của mình”, chị Uyên chia sẻ.

Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Lự (67 tuổi, ở làng Chuồn). Dù chưa phải là thời gian cao điểm nhưng ông cùng với 2 người con trai và con dâu vẫn “chạy đua” với thời gian để gói bánh do khách hàng ở TP Hồ Chí Minh đặt. Ông Lự cho biết, khoảng giữa tháng 12 âm lịch, ông huy động con cháu gói bánh, mỗi người làm một công việc, như lau lá, cắt dây, đãi nếp, luộc thịt, làm nhân đậu xanh, gói bánh… Gói không kịp bánh của khách đặt, nhà ông Lự còn thuê gần chục người làm trong thôn đến giúp với tiền công từ 500-700 nghìn đồng/ngày/người.

“Mỗi mùa Tết, gia đình tôi nhận được được vài trăm đơn đặt hàng với hàng ngàn đòn bánh tét của khách ở các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Một đòn bánh tét nặng khoảng 1kg giá chỉ 60 nghìn đồng. Ba thế hệ gia đình tôi đã gắn bó với nghề này. Cuối tháng 11/2023 vừa qua, tôi đã làm thủ tục đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với cơ sở bánh tét của gia đình mình”, ông Lự cho hay.

Về bí kíp khiến bánh tét làng Chuồn nổi tiếng, ông Lự chia sẻ, đầu tiên, phải chọn loại nếp thơm ngon, dẻo, hạt đều. Lá dùng để gói là lá chuối vườn nên người mua bánh hoàn toàn yên tâm, không sợ chất nhuộm xanh. Việc chế biến nhân đậu xanh, thịt heo được cho vào ngay giữa đòn bánh để hương vị lan tỏa khắp chiếc bánh. Để bánh được chín đều, giữ lâu 2 tuần, phải đun trong 12 tiếng đồng hồ…

Làm bánh tét được gần 40 năm, bà Huỳnh Thị Hường (58 tuổi, ở thôn An Truyền) kể, khác với lúc bà còn là con gái, chỉ gói bánh trong những ngày Tết, giờ như gia đình bà làm bánh từt hang 8 ra tận tháng 2 âm lịch. Chỉ tính riêng mỗi vụ Tết, gia đình bà bán chừng 2.000 đòn bánh tét, 1.000 cặp bánh chưng.

“Bánh tét làng Chuồn - món bánh trứ danh ấy không chỉ xuất hiện trong các bữa ăn Tết của người dân Cố đô Huế mà còn xuất hiện trên những bàn ăn của người Huế xa quê trong dịp tết đến xuân về. Càng vui hơn khi gần đây, món bánh ấy còn bay qua cả trời Tây”, bà Hường phấn khởi...

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/huong-vi-tet-o-nhung-lang-nghe-hang-tram-nam-tuoi-i721256/