Hương vị quê nhà

Có một người trong mỗi lần xa quê đều rất nhớ thương hương vị quê nhà qua từng món ăn đậm đà, dân dã. Nỗi nhớ nhiều tới mức mà mỗi khi có dịp trở về, cô chỉ muốn chạy ngay về nhà để được ăn những món ăn quen thuộc đó. Những món mà khi ở xứ người, cô chỉ biết hít hà nhung nhớ.

Chiều nay, Hường chia sẻ cùng bạn câu chuyện của một thính giả vừa gửi về.

Đi làm về tới sân, tôi thấy ba lui cui ngoài vườn hái ớt. Mùa này ớt bay rộ nhất trong năm. Tôi hỏi ba sao không vô võng ngồi coi ti vi ra ngoài làm gì cho nắng. Ba cười rồi nói, ba đi kiếm trái ớt cho má giã bỏ mắm mực. Cái thứ này không có ớt, tỏi sao mà ăn cho ngon.

Bữa cơm nhà quê giản đơn mộc mạc. Có nồi canh rau tập tàng, dĩa thịt kho, dĩa cà muối và chén mắm mực ớt tỏi, vắt chanh vậy mà thơm ngon khó cưỡng. Mẹ tôi dân Bắc chính hiệu, nên mấy con mắm miền Trung bà không quen ăn. Chỉ có ba và chị em tôi quen miệng ăn miết. Ăn tới ghiền đến độ bữa nào không có mắm thấy nhạt miệng, thiếu thiếu, trống vắng đến khó tả. Nếu thay thế bằng thứ nước cari bò chấm cà pháo muối thì khác nào bắt anh nông dân uống cà phê không đường.

Mắm mực - món ăn dân dã của người dân miền Trung.

Ba tôi, một ông già gần 90 tuổi là tín đồ trăm năm của mắm mực. Thường vừa ăn vừa hít hà vì cay và đậm mùi. Nhưng mà ông ăn đâu có giỏi bằng tôi. Ông đâu có dám ăn mấy con mắm to, chỉ lựa mấy con nhỏ xíu bằng đầu đũa. Còn tôi, lớn nhỏ gì cũng ăn hết. Mùi chanh tươi, mùi tỏi thơm, vị cay nồng của ớt, vị đậm đà của mực muối chua chua, ngọt ngọt… Sau chén cơm với con mắm mực, ba tôi húp một chén canh và gắp trái cà pháo chấm vào chén mắm nhai rụm rụm, vừa hít hà vừa lấy tay áo quệt mồ hôi.

Má tôi la ba già rồi, huyết áp cao bất tử, ăn mặn ít thôi. Ăn cho sướng miệng, rồi đi viện lúc nào không hay.

Tôi thích ăn những con mực to, chua chua , mặn mặn. Tôi cắn con mực ra một đoạn nhai cùng với cơm, nhón quả ớt rừng xanh đậm bỏ vào miệng, khi đó tôi mới là tôi.

Ba tôi quý mắm, nếu lỡ thấy tôi rửa chén mà đổ đi chút mắm thừa, ông la phí phạm. Để làm ra hũ mắm, bạn nghề phải lênh đênh trên biển dài ngày đánh bắt. Trước đó phải đem muối theo, bắt được mẻ mực nào là phải muối ngay trong những chiếc can to. Muối lúc con mực còn tươi thì mực mới thơm ngọt.

Vậy mới nói người già luôn có kinh nghiệm muối mắm, muối dưa. Làm ra hũ mắm cực khổ vậy, nên ba tôi tiếc chút mắm thừa là phải. Bạn không thấy đâu, mấy người đi biển quê tôi ai cũng màu da trùi trũi. Nước biển và nắng ăn vào người. Giọng nói thì như sóng như gió.

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng.

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm…”

Câu thơ của nhà thơ Tế Hanh như tả về dân chài quê tôi, dù quê ông tận miền Quảng Ngãi. Người từng đi biển, dù ở đâu khoác trên mình bộ áo tân thời hay ngồi ở nhà hàng sang trọng nào tôi cũng có thể nhận ra.

Mỗi lần ghe cập bờ là niềm vui ồn ào, náo nhiệt. Nhà nào cũng tất bật mắm cá. Chủ thuyền cũng thương anh em đi bạn. Mấy can mắm coi như cho anh em kiếm thêm bữa nhậu.

Mắm mực ngon phải muối từ mực tươi vừa đánh bắt lên. Ảnh: Thanh Ly

Một anh bạn theo nghề biển bảo, muốn có mắm mực ngon và thơm là phải muối con mực tươi tanh tách. Nếu để mực ươn thì nước mực chát xè không ngọt. Con mực không thơm và đắng sẽ không ngon. Cứ hai mực một muối là ổn. Muốn nó nhanh chua thì để non muối cũng được. Nhưng là mực ngắn ngày ăn liền. Để lâu lỡ vi khuẩn hay bị ruồi nhặng chui vào thì chỉ có nước đổ bỏ.

Mấy năm đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, tôi thèm mắm mực đến điên cuồng. Ngày về nước, khi máy bay vừa xuống sân bay Nội Bài, thay vì đi lòng vòng thăm thú, ăn chơi ở Thủ đô vài ngày, tôi chọn ngay việc mua vé bay thêm chặng nữa về Quy Nhơn. Bay ngay để nhanh về nhà, nhanh ăn món mắm mực mà mấy năm xứ người tôi chỉ biết hít hà nhung nhớ.

Sau này, tôi ra Bắc sống một thời gian. Ăn rất nhiều món mà ba tôi dẫn đi ăn hoặc mua về cho tôi chế biến. Tôi là người dễ ăn, nhưng món gia vị cần phải có mắm. Thịt heo luộc, bún ốc, đậu chiên lướt ván… tất cả phải có chút mắm. Miễn là mắm, là cá. Thỉnh thoảng có dịp đi đâu đó xa quê, tôi thèm mắm mực đến nao lòng./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/huong-vi-que-nha-231606.htm