Hưởng ứng ngày Nước thế giới (22-3), ngày Khí tượng thế giới (23-3), chiến dịch Giờ Trái Đất (30-3) Chung tay bảo vệ sông Cái

Ngày Nước thế giới (22-3) năm 2024 được Liên hiệp quốc phát động với chủ đề “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Điều này cho thấy việc bảo vệ nguồn tài nguyên này là điều phải làm ngay. Ở tỉnh Khánh Hòa, việc bảo vệ nguồn tài nguyên của sông Cái, con sông cung cấp nguồn nước chủ yếu cho TP. Nha Trang, 2 huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh cũng trở nên cấp bách trước những thách thức trong tương lai.

Những thách thức đối với nguồn nước

Theo tính toán, lưu vực sông Cái Nha Trang có tổng lượng dòng chảy mặt khoảng 2,37 tỷ m3/năm, với dân số khoảng 614.200 người, bình quân đầu người ở lưu vực sông sử dụng nước khoảng 3.850m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình toàn quốc và thế giới (khoảng 4.000 m3/người/năm). Hiện tại, nguồn nước mặt trên lưu vực sông Cái Nha Trang chưa phải thiếu hụt nghiêm trọng, nhưng sẽ đối mặt với các thách thức trong tương lai nếu không có chiến lược bảo vệ và sử dụng nguồn nước hợp lý.

Dòng sông Cái Nha Trang.

Ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ nhận định, vấn đề lớn cần đặt ra đối với tài nguyên nước mặt ở sông Cái là tổng lượng dòng chảy 4 tháng mùa lũ (tháng 9 đến tháng 12) chiếm đến 65 - 66% lượng dòng chảy cả năm; lượng dòng chảy 8 tháng mùa cạn (tháng 1 đến tháng 8) chỉ chiếm 34 - 35% lượng dòng chảy cả năm. So sánh với nhu cầu dùng nước, sự phân phối dòng chảy không đồng đều giữa 2 mùa như trên rất bất lợi cho sản xuất. Trong khi nhu cầu dùng nước trong các tháng mùa cạn rất cao thì dòng chảy trên sông nhỏ, trái lại nhu cầu dùng nước trong các tháng mùa lũ không cao lắm thì phần lớn nước tập trung trong những tháng này.

Xét chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Cái Nha Trang, cứ 6 - 9 năm có một đợt hạn hán nặng. Tình trạng không mưa liên tục kéo dài càng thể hiện rõ và gay gắt là vào các năm ảnh hưởng của hiện tượng El Nino như: 2003 - 2004, 2008 - 2009, 2015 - 2016, 2019 - 2020… hầu hết có từ 30 đến 60 ngày liên tục không mưa. Điển hình nhất là đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2015 - 2016, dòng chảy trên lưu vực sông Cái xuống đến mức thấp nhất trong chuỗi số liệu đo đạc được, nhiều sông suối nhỏ cạn nước hoàn toàn, nhiều công trình thủy lợi không có nước tưới, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh.

Giữ gìn tài nguyên nước

Từ những số liệu trên có thể thấy, tài nguyên nước trên sông Cái không phải là vô tận nếu chúng ta không có biện pháp gìn giữ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở sông Cái cũng đang là một vấn đề rất nghiêm trọng. Tại TP. Nha Trang, rác thải và nước thải sinh hoạt, công nghiệp từ các khu công nghiệp chế xuất hàng ngày đã thải vào hệ thống sông hoặc thấm vào trong lòng đất. Tại vùng sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng một cách bừa bãi đã làm cho nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, dẫn đến chất lượng nước ngày càng kém đi. Do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ không khí có xu thế tăng lên rõ rệt, sự biến động khá lớn về lượng mưa trong các mùa dẫn tới lượng bốc thoát hơi tăng, lượng dòng chảy năm, dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm trong khi nhu cầu dùng nước cho các ngành kinh tế càng tăng. Trong mùa khô, xu thế giảm mưa kéo theo dòng chảy giảm, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn cả ở phần nước mặt và nước ngầm.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tỉnh Khánh Hòa - mô hình Nha Trang” vào ngày 18-1, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chúng ta đang định hướng đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Nha Trang là đô thị trung tâm của tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình phát triển đó, nếu chúng ta không sớm nhận thức được giá trị của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tất yếu phải tiến hành chuyển đổi xanh thì chắc chắn chúng ta sẽ dần làm mất đi sự hấp dẫn của Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Đối với các thành phố lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cùng với sự phát triển thì có nguy cơ suy thoái về môi trường. Do vậy, chúng ta cần có những hành động cụ thể từ việc thay đổi nhận thức cho đến những cơ chế, chính sách, phong trào của tỉnh đẩy mạnh phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Ngày 24-11-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 171 về việc xây dựng Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030 để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành “một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh”. Cùng với đó, trong quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta đã có định hướng hướng tới Khánh Hòa trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi xanh, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực: Nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, đô thị xanh, giao thông xanh, lối sống xanh.

Bà Nguyễn Thị Hoan - Kỹ sư Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cho biết, riêng các tỉnh Nam Trung Bộ, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi và gây thiệt hại đáng kể. Đặc biệt là các năm 2013 và 2016 phải dừng sản xuất lúa ở hầu hết các tỉnh. Năm 2024 đang xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Thuận và tình trạng hạn hán có khả năng mở rộng hơn, mức độ nguy hiểm hơn. Vì vậy, để khắc phục, giải quyết các vấn đề đang gặp phải về việc sử dụng nguồn nước chung đòi hỏi việc khai thác, sử dụng nước cần gắn liền với lợi ích kinh tế của các ngành, địa phương, quốc gia liên quan. Các cấp từ Trung ương tới địa phương cần hành động quyết liệt hơn trong quản lý, quy hoạch tài nguyên nước...

Theo ông Võ Anh Kiệt, để đối phó với các thách thức nói trên, Nhà nước cần đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường mới, những chính sách kiểm soát và xử lý ô nhiễm có tính răn đe đối với các nhà máy; đầu tư xây dựng các dự án công trình xử lý nước thải; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, không lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không đổ rác thải bừa bãi ra sông hồ. Mỗi cá nhân nên tích cực vận động, tuyên truyền để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng của nguồn nước sạch, nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước vì sức khỏe, sự phát triển và tồn tại của chúng ta. Các cơ quan chức năng cần có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước, đưa ra nhiều biện pháp nhằm kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội nâng cao ý thức, cùng hành động tích cực và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.

Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024; treo pano, băng rôn, áp phích tuyên truyền được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp; tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, cuộc thi triển lãm tranh, ảnh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường; triển khai các giải pháp thông minh trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, khí hậu.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/huong-ung-ngay-nuoc-the-gioi-22-3-ngay-khi-tuong-the-gioi-23-3-chien-dich-gio-trai-dat-30-3-chung-tay-bao-ve-song-cai-9195be3/