Hương trời, vị đất Thẳm Dương

Thổ nhưỡng, khí hậu cùng tập quán canh tác lâu đời của người Tày, người Thái đã làm nên thứ nếp Khẩu Tan Đón dẻo thơm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của vùng đất Thẳm Dương, huyện Văn Bàn.

Khẩu Tan Đón là cái tên mà người Tày, người Thái ở xã Thẳm Dương đặt cho giống lúa nếp trắng, hạt tròn, dẻo thơm gắn liền với câu chuyện nguồn gốc nhuốm màu huyền bí. Cộng đồng dân cư nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện bà tiên vì thương dân mà ban cho giống lúa quý. Sau đó, người dân đã mất nhiều công sức tìm vùng đất phù hợp, cuối cùng thành công gieo hạt lúa quý trên cánh đồng ven dòng suối Nậm Con có nguồn nước trong mát. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại làm cốm, đồ xôi để tỏ lòng biết ơn bậc tiền nhân đã có công phát hiện ra giống nếp dẻo thơm. Với cộng đồng dân cư nơi đây, nếp Khẩu Tan Đón không chỉ là gạo nếp mà còn là niềm tự hào, là báu vật mà họ luôn gìn giữ.

Giữa tháng 10, khi đất trời đón những cơn gió lạnh đầu mùa là lúc nếp Khẩu Tan Đón vào thời kỳ chắc xanh, hạt thóc vẫn còn ngậm một chút sữa trắng, đúng độ để người Tày, người Thái ở các thôn Bản Ngoang, Bản Thẳm, Bản Bô… của xã Thẳm Dương cắt về làm cốm.

Trong các sản phẩm chế biến từ nếp Khẩu Tan Đón, cốm là món ăn được nhiều người ưa thích. Nhờ bàn tay khéo léo của phụ nữ Tày, Thái, những bông lúa “móc câu” còn ngậm sữa trở thành hạt cốm xanh mỏng, dẻo dai, thơm nhẹ. Mỗi hạt cốm là một “hạt ngọc” được kết tinh từ “hương trời, vị đất” đem đến cho thực khách cảm giác dễ chịu khi thưởng thức trong tiết trời se lạnh.

Chị La Thị Nơi ở thôn Bản Bô chia sẻ: Lúa làm cốm phải đúng độ chắc xanh, ngậm chút sữa mới cho ra được những mẻ cốm dẻo thơm, màu sắc bắt mắt. Nếu lúa non khi giã cốm sẽ bị nát, còn nếu lúa quá già, cốm sẽ cứng, ăn không ngon. Quá trình rang cốm phải canh lửa vừa đủ để hạt cốm chín tới, giữ được màu sắc tự nhiên và độ dẻo…

Không ai biết nếp Khẩu Tan Đón được người Tày, người Thái trồng ở Thẳm Dương từ bao giờ, nhưng ai cũng biết cứ đến mùa này, nhà nào cũng phải làm cốm để mời tổ tiên về chứng kiến và làm quà mời bà con, xóm làng. Ngày nay, cốm được làm từ nếp Khẩu Tan Đón trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng, nhiều hộ trong thôn đã làm cốm bán ra thị trường với giá trung bình 100 nghìn đồng/kg.

Ngoài sử dụng cốm để “ăn chơi” như một món quà vặt, cốm Khẩu Tan Đón còn được những phụ nữ Tày, Thái ở Thẳm Dương chế biến thành những món ăn khác như xôi cốm, chả cốm, bánh cốm nhân thịt lợn bản hấp… Mỗi món ăn có hương vị riêng nhưng dư vị đọng lại với thực khách vẫn là độ dẻo, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của nếp Khẩu Tan Đón.

Ai đã từng một lần thử cốm, xôi và những sản phẩm chế biến từ nếp Khẩu Tan Đón sẽ không bao giờ quên hương vị đặc biệt của nó. Có lẽ do thời gian sinh trưởng kéo dài (hơn các giống lúa khác 2 tháng), lại không được sử dụng nhiều phân bón vì cây lúa cao dễ đổ, gãy, cùng khí hậu thổ nhưỡng riêng của vùng đất này đã giúp nếp Khẩu Tan Đón giữ được “tinh hoa” của đất trời trong từng “hạt ngọc”.

Chị Nguyễn Thị Sen, thôn Bản Bô.

Cốm là thức quà được người Tày, người Thái chế biến để “ăn chơi”, còn gạo nếp Khẩu Tan Đón lại được người tiêu dùng trong và ngoài xã “săn lùng”, tìm mua bởi mùi thơm đặc trưng, khi đồ xôi, làm bánh rất dẻo, có vị ngọt đặc trưng mà không giống nếp nào có được.

Anh Hoa Văn Ngân, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất, xã Thẳm Dương cho biết: Do chỉ trồng 1 vụ nên sản phẩm lúa, gạo nếp, cốm Khẩu Tan Đón thường xuyên “cháy hàng”. Từ khi được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao (năm 2021), nếp Khẩu Tan Đón được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Mỗi năm, hợp tác xã thu mua hàng chục tấn lúa nếp của người dân để cung ứng ra thị trường với giá trung bình khoảng 45 nghìn đồng/kg gạo. Ngoài sản phẩm chính là gạo nếp Khẩu Tan Đón, hợp tác xã đang nghiên cứu để tung ra thị trường các sản phẩm mới như xôi nếp, bánh chưng, cốm, rượu ngâm đòng lúa… làm đa dạng thêm các sản phẩm từ đặc sản nếp Khẩu Tan Đón.

Với việc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị thương hiệu của nếp Khẩu Tan Đón ngày càng được nâng lên. Diện tích trồng nếp Khẩu Tan Đón xã Thẳm Dương đến nay đã đạt hơn 80 ha, sản lượng thóc đạt hơn 400 tấn. Nếp Khẩu Tan Đón trở thành cây trồng có giá trị cao, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân Thẳm Dương. Ước tính mỗi năm nếp Khẩu Tan Đón mang lại nguồn thu khoảng 8 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn xã.

Để duy trì và phát triển thương hiệu nếp Khẩu Tan Đón đặc sản, chính quyền và người dân xã Thẳm Dương đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và làm đa đạng sản phẩm chế biến từ giống nếp quý này.

Chúng tôi kỳ vọng những sản phẩm từ nếp Khẩu Tan Đón sẽ ngày càng “bay xa”, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện yêu thích, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thẳm Dương -

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/huong-troi-vi-dat-tham-duong-post375824.html