Hướng tới sự phát triển toàn diện Thủ đô

(ANTĐ) - Hôm qua, 3-10, Bộ GT-VT, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe và gắn biển công trình 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Đại lộ Thăng Long. Đây là Đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội có thêm một công trình giao thông mới, hiện đại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của Thủ đô. Đại lộ Thăng Long được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chính là điểm nhấn rõ nét về sự phát triển không ngừng của Thủ đô nghìn năm tuổi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và của những người lao động đã làm việc không quản ngày đêm để hoàn thành công trình đúng hẹn. Thủ tướng cũng cảm ơn và hoan nghênh những người dân địa phương đã bàn giao đất cho công trình vì lợi ích chung của cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội sau khi nhận bàn giao tuyến đường sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống quản lý và tổ chức giao thông hiện đại. “Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội và mong Hà Nội nỗ lực phát huy khí thế hào hùng của Thăng Long - Hà Nội để huy động mọi nguồn lực áp dụng nhiều cách làm hay sáng tạo, giúp Thủ đô ngày càng có thêm nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để đưa vào sử dụng theo quy hoạch” - Thủ tướng nhấn mạnh. Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Đại lộ Thăng Long có vai trò quyết định quy mô, tính chất của đô thị vệ tinh Hòa Lạc và các đô thị vệ tinh xung quanh, tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển của các huyện, thị xã phía Tây Hà Nội. Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc được khởi công vào tháng 3-2005. Tại kỳ họp thứ 21, ngày 14-7-2010, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất đặt tên đường là Đại lộ Thăng Long. Con đường bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, tiến độ của dự án đã bị chậm bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có ảnh hưởng lớn từ ách tắc trong khâu GPMB. Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao của UBND TP Hà Nội, các vướng mắc đều đã được tháo gỡ nhằm đưa công trình về đích đúng hẹn. Đại lộ Thăng Long có chiều dài 28km, chiều rộng 140m bao gồm 2 dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị... Trên tuyến đường có 51 cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông, vượt nút giao... đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị. Đại lộ Thăng Long liên kết với các quốc lộ 6, 32, 37, 2… góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường này cũng nối kết khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội với các chuỗi đô thị đang trong quá trình phát triển như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc - một trong những dự án có tác động lớn tới kinh tế của đất nước.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83595&channelid=3