Hướng tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên công tác xã hội

Anh Phan Ngọc Mến (bìa trái), nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh hướng dẫn các đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí cách giao lưu văn nghệ. Ảnh: KIM CHI

Nhân viên công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, từ nâng cao năng lực ứng phó đến hỗ trợ xã hội… Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đội ngũ này cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm hướng tới chuyên nghiệp hóa.

Nhẫn nại, làm việc bất kể giờ giấc

Để CTXH trở thành cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng.

Hiện 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội… Thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin phản ánh có người cần giúp đỡ là các nhân viên, cộng tác viên CTXH cơ sở lập tức lên đường, đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng cần trợ giúp.

Hằng ngày, anh Phạm Ngọc Mến, công tác tại Phòng Quản lý phục hồi chức năng người tâm thần (Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh) thường xuyên tiếp xúc với hơn 50 bệnh nhân tâm thần đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại đây. Anh Mến nói: Họ bình thường thì không sao, nhưng mỗi lúc lên cơn la hét, quậy phá rất khó kiểm soát. Đã chọn nghề CTXH, tiếp xúc các đối tượng yếu thế nên chúng tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, rèn tính nhẫn nại, bình tĩnh để chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong cuộc sống.

Theo BSCKII Mai Văn Thu (Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh), các hoạt động CTXH đối với người bị bệnh tâm thần rất đa dạng và phong phú, từ các hoạt động mang tính phòng ngừa như giáo dục cộng đồng về bệnh tâm thần, cách hỗ trợ và tránh kỳ thị, phân biệt đối xử, đến các hoạt động hỗ trợ trực tiếp người bệnh như: chăm sóc hỗ trợ về mặt tinh thần, xã hội, kết nối các nguồn lực trợ giúp và hỗ trợ, huấn luyện cho người nhà bệnh nhân biết cách chăm sóc, hỗ trợ người bệnh tâm thần và gia đình họ. Để làm được điều này, nhân viên CTXH phải có chuyên môn và sự kiên nhẫn.

Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh hiện có hơn 40 học viên cai nghiện theo diện bắt buộc và tự nguyện. Ông Cao Tấn Trường, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh chia sẻ: CTXH là một nghề rất vất vả. Người làm nghề này phải thật sự hiểu những khó khăn của các đối tượng bảo trợ để có hướng xử lý cũng như giúp đỡ trong nhiều tình huống. Trong những trường hợp cấp bách hoặc người nghiện ma túy đang rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng, khủng hoảng…, nếu được nhân viên CTXH tư vấn, họ có thể vượt qua dễ dàng hơn.

Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Hệ thống chính sách an sinh các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Chị Nay Hờ Thư, cộng tác viên CTXH xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) bày tỏ: Những người làm công tác trợ giúp xã hội như chúng tôi hằng năm đều được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò của mình; phải thấu hiểu nhu cầu khẩn cấp của người dân trong tình trạng khó khăn để kịp thời đáp ứng nhanh nhất. Chúng tôi cũng được truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, những chủ trương, chính sách của Nhà nước dành cho những đối tượng xã hội để kịp hướng dẫn thủ tục khi họ được thụ hưởng…

Xác định việc triển khai nghề CTXH là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã có kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ CTV, nhân viên CTXH trong toàn tỉnh. “Dù có khó khăn, nhưng để phát triển nghề CTXH, tỉnh phấn đấu, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; thực hiện mở rộng diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của trung ương. Đồng thời phấn đấu 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298375/huong-toi-chuyen-nghiep-hoa-doi-ngu-nhan-vien-cong-tac-xa-hoi.html