Hướng tới chăm sóc người bệnh toàn diện

ND - Chăm sóc người bệnh toàn diện được coi là giải pháp cơ bản để nâng cao sự hài lòng của người bệnh, cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và uy tín của bệnh viện. Tại các bệnh viện, công tác này được thực hiện với nhiều mô hình: theo người bệnh, theo công việc, theo nhóm, theo đội... phù hợp điều kiện cụ thể của từng đơn vị.

Mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện theo đội mà Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đang triển khai được đánh giá có thể áp dụng cho nhiều bệnh viện ở nước ta. Phòng điều dưỡng của bệnh viện chịu trách nhiệm chỉ đạo hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực điều dưỡng và chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về tổ chức, điều hành và giám sát công tác chăm sóc để người bệnh được chăm sóc toàn diện với chất lượng, hiệu quả cao nhất khi tới khám và điều trị tại bệnh viện. Rút kinh nghiệm từ mô hình nhóm chăm sóc toàn diện, từ năm 1998 Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí bắt đầu nghiên cứu điểm thực hiện mô hình phân công chăm sóc theo đội. Đến năm 2005 - 2006 mô hình mới này được triển khai toàn bệnh viện. Đội chăm sóc gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, dược lâm sàng, nhân viên y tế khác, học sinh, sinh viên, người bệnh và người nhà người bệnh. Nguyên tắc làm việc của đội chăm sóc là phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, nhằm mục đích phát huy hết khả năng của từng người; phân công nhiệm vụ công khai, cụ thể và khoa học phù hợp với phân cấp người bệnh. Theo dõi người bệnh thường xuyên để thay đổi cấp độ chăm sóc và có những can thiệp kịp thời. Người bệnh là trọng tâm, được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần, được tham gia vào lập kế hoạch chăm sóc. Đáng chú ý, người nhà người bệnh cũng được tham gia vào đội chăm sóc đó, có nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh theo sự tư vấn, hướng dẫn của các thành viên trong đội. Nhờ đó, hầu hết cán bộ và nhân viên các khoa, phòng đều có thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm trong quá trình triển khai chăm sóc toàn diện người bệnh theo mô hình đội. Trung bình mỗi khoa có hai hoặc ba đội chăm sóc như vậy. Các thành viên đều phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia. Chất lượng chăm sóc người bệnh được cải thiện, người bệnh được theo dõi sát và liên tục, không có "khoảng trống" trong chăm sóc người bệnh. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, công tác chăm sóc người bệnh toàn diện được thực hiện theo mô hình lấy người bệnh, buồng bệnh làm trung tâm với sự tham gia của các lực lượng liên quan (bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, dược...). Nội dung chăm sóc toàn diện bao gồm về chăm sóc y tế (chữa bệnh); thể chất (ăn mặc, ở, vệ sinh); tinh thần (phong cách giao tiếp, thời gian tiếp xúc người bệnh). Nhờ đó, góp phần áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh và từng bước thực hiện kỹ thuật chăm sóc người bệnh chuyên sâu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, công tác chăm sóc toàn diện người bệnh cũng thực hiện theo mô hình lấy người bệnh làm trung tâm với sự tham gia tích cực của các bộ phận từ lâm sàng, cận lâm sàng cũng như vệ sinh, dinh dưỡng... người bệnh và người nhà người bệnh. Trên cơ sở những nhu cầu chính đáng của người bệnh để tổ chức thực hiện đáp ứng nhu cầu đó. Cán bộ y tế thường xuyên giao tiếp, giải thích tường tận, động viên an ủi, trao đổi với người bệnh và người nhà người bệnh với các hình thức "ba không": không nặng lời, không thờ ơ, không từ chối; "ba công đoạn": "xin phép", xin lỗi, cảm ơn. Chăm sóc người bệnh toàn diện là dịch vụ hết sức quan trọng, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm người bệnh hài lòng là xu thế tất yếu đối với các bệnh viện. Nhưng phần lớn các bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai loại hình dịch vụ này. Khó khăn đến từ cả trong và ngoài bệnh viện. Các yếu tố bên trong là bệnh viện thiếu nhân lực, tình trạng quá tải, chi phí y tế tăng cao, chính sách cho cán bộ y tế thiếu. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhận thức chưa đầy đủ về chăm sóc người bệnh toàn diện, chưa quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống y tá - điều dưỡng, phương tiện chăm sóc... Các yếu tố bên ngoài là nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân tăng trong khi đó chi phí của nhà nước cho khám chữa bệnh giảm. Nhiều ý kiến cho rằng, chăm sóc toàn diện bao hàm cả chăm sóc liên tục, nghĩa là người bệnh được chăm sóc, quản lý tiếp tục sau khi xuất viện. Nhưng hiện tại vấn đề này đang bị bỏ ngỏ. Theo TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để bảo đảm sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng uy tín của đơn vị, các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác chăm sóc người bệnh toàn diện. Đặc biệt phải thay đổi nhận thức trong toàn thể cán bộ, nhân viên và xác định đây là công việc của tất cả mọi cán bộ, nhân viên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=173779&sub=72&top=41