Hướng tới các cơ sở đào tạo đáp ứng đội ngũ giáo viên trong tương lai

'Mong muốn sẽ sớm có những cơ sở đào tạo đáp ứng đội ngũ giáo viên trong tương lai'- Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tại hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018.

GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội

Theo GS. Nguyễn Văn Minh, thời gian gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh việc đào tạo sư phạm, dư luận quan tâm tới các vấn đề cơ bản như: Tình trạng thừa thiếu của các trường sư phạm; tuyển sinh đầu vào thấp và mong muốn có nhiều học sinh giỏi sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm.

Thực tế trên cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục. Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay vấn đề tập trung nâng cao chất lượng của người thầy trong ngành giáo dục là hết sức quan trọng. GS. Nguyễn Văn Minh cũng lý giải một số vấn đề như: việc thừa và thiếu giáo viên cục bộ cũng như việc đầu vào thấp diễn ra ở một số trường Cao đẳng và một số trường đại học ở các địa phương.

Song tại các trường sư phạm truyền thống vẫn giữ được điểm đầu vào khá cao. Điểm đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là những tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. Mặt khác nói một cách đúng mức, do sự tồn tại của mình không loại trừ một số cơ sở cố tuyển sinh bằng mọi giá. Nếu thế đây chính là hệ lụy cho việc thiếu kiểm soát của các cơ sở đào tạo sư phạm.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Thực trạng cung vượt quá cầu đang diễn ra trên thực tế. Những tác động nói trên đã tác động không nhỏ tới tâm tư của học sinh giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm. Bởi nghề dạy học không chỉ đòi hỏi về chuyên môn mà cần có sự tận tâm về công việc. Theo đó, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã đề xuất các ý kiến như:

Thứ nhất: Sớm quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm. Ở đây chúng ta quan niệm quy hoạch để phát triển: Đó là các trường đầu tầu, các trường trung tâm, các phân hiệu và các cơ sở vệ tinh. Các phân khúc nối các trường đại học, cao đẳng trong giáo dục đào tạo, thực hiện đào tạo lại, bồi dưỡng có cơ sở đầu tầu và có cơ sở để chúng ta đầu tư phù hợp. Sở dĩ các trường đại học cao đẳng tại các địa phương cố tuyển sinh cũng là vì sự tồn tại của họ.

Thứ hai, trên cơ điều tra về quy mô học sinh, sự thay đổi về số lượng đội ngũ, phân bố địa lý dân cư... chúng ta sẽ có các cơ sở đào tạo tốt hơn và lúc đó chúng ta nắm được chỉ tiêu. Đây là cơ sở quan trọng để xác định được việc làm, sinh viên sẽ yên tâm khi vào học ở các trường sư phạm.

Thứ 3 là sớm kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo sư phạm, công khai tình trạng sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng. Từ đây cho phép học sinh có quyền đăng ký để theo học, trường nào có điều kiện tốt thì sẽ được ưu tiên.

Thứ tư: Sớm cải thiện phương án phụ cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng. Bởi vì các trường sư phạm của nhà nước đầu tư thì nhà nước có quyền đặt hàng.

Thứ 5 đối với các trường sư phạm đây là thời cơ để các trường chủ động cải tổ, để thay đổi lại chương trình, xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng tự cải tổ và đề xuất phương án liên thông giữa các hệ thống. Các cơ sở sư phạm trên cơ sở đồng ý của Bộ GD&ĐT cần phải có thay đổi quyết liệt trong nội tại các trường sư phạm. Làm được những điều này chúng ta sớm sẽ có những cơ sở đào tạo để đáp ứng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Minh Châu

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-toi-cac-co-so-dao-tao-dap-ung-doi-ngu-giao-vien-trong-tuong-lai-3696872-c.html