Hướng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt

Tại hội thảo quốc tế về 'An toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ' do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp cùng Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA) tổ chức ngày 19/10, các chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng, trước những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ doanh nghiệp Việt phải liên tục cập nhật để có những chiến lược tiếp cận phù hợp.

Các chuyên gia Hoa Kỳ trình bày những thông tin mới nhất về chính sách thương mại Hoa Kỳ sẽ tác động đến ngành giày dép, may mặc Việt Nam

Ông Jon Fee, Cố vấn cao cấp của Alston & Bird LLP cho biết, trong 12 tháng tính đến 31/8/2017, nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 8,74% và giày dép tăng 11,83%. Đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm may mặc và giày dép. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Hoa Kỳ, thậm chí khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam.

Theo ông Nate Herman, Phó Giám đốc cấp cao Chuỗi cung ứng AAFA, mục tiêu mới của Tổng thống Donald Trump theo 3 trụ cột gồm giảm thâm hụt thương mại, tăng cường hơn các quản lý thương mại và làm thế nào thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, những chính sách này sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước vào Hoa Kỳ.

Đơn cử là việc Chính quyền ông Trump đang rà soát lại hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập cho các mặt hàng giày dép, đồ dùng du lịch và may mặc. Dù hiện tại Việt Nam vẫn là nhà cung cấp đồ dùng du lịch lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ (sau Trung Quốc) nhưng sắp tới sẽ có sự cạnh tranh với Campuchia và Myanmar vì hai nước này đang nhận ưu đãi từ hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Hoa Kỳ (hưởng thuế 0% khi vào Hoa Kỳ) trong khi Việt Nam thì không được hưởng.

Như vậy, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia được hưởng lợi thuế quan vào Hoa Kỳ. “Muốn thích ứng, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường, phải biết được chúng ta giao hàng cho ai, giao ở đâu và thời điểm nào để có những chiến lược sản xuất phù hợp”, ông Josue Solano, Chủ tịch và Giám đốc điều hành BBC International LLC khuyến nghị.

Còn theo ông Jon Fee, Chính quyền Hoa Kỳ sẽ không bao giờ xem xét lại TPP nên Việt Nam cần quan tâm đến các hiệp định khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EVFTA, sáng kiến “vành đai & con đường” BRI và chiến lược hợp tác Việt Trung “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”.

Bên cạnh các lưu ý trên, các chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề chuỗi cung ứng hàng may mặc và giày dép và khuyến nghị doanh nghiệp chú ý để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đại diện tổ chức Worldwide Responsible Accredited Production (WRAP) - nhấn mạnh: Đứng trước thực tế hiện đại về công nghệ tạo điều kiện tức thời cho công tác giao tiếp toàn cầu, công tác quản lý cần liên tục và tích cực trong môi trường rủi ro cao. Hoạt động đánh giá tuân thủ xã hội ngày một quan trọng với vai trò công cụ bảo vệ rất thực tế trước các thách thức đối với chuỗi cung ứng, trở thành khía cạnh quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi giá trị toàn cầu ngày nay hoạt động trong môi trường truyền thông luôn phản ứng một cách kịp thời trước mọi thông tin.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/huong-tiep-can-thi-truong-hoa-ky-hieu-qua-cho-doanh-nghiep-viet.html