Hướng phát triển thị trường rau an toàn

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chuỗi liên kết không chặt chẽ, thiếu kênh phân phối hiệu quả đang là những rào cản phát triển thị trường rau an toàn. Có nhu cầu lớn nhưng người tiêu dùng thiếu lòng tin với sản phẩm này. Cần kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ chuyên nghiệp để rau an toàn đến được với các gia đình.

Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Văn Ðức, huyện Gia Lâm.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chuỗi liên kết không chặt chẽ, thiếu kênh phân phối hiệu quả đang là những rào cản phát triển thị trường rau an toàn. Có nhu cầu lớn nhưng người tiêu dùng thiếu lòng tin với sản phẩm này. Cần kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ chuyên nghiệp để rau an toàn đến được với các gia đình.

Thời gian qua, TP Hà Nội rất quan tâm đến việc phát triển sản xuất rau an toàn. Nhưng đến nay, trong tổng diện tích canh tác rau khoảng 12 nghìn héc-ta mới có năm nghìn héc-ta là rau an toàn, sản lượng đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân Thủ đô. Diện tích và sản lượng rau hữu cơ còn ít hơn, chỉ chiếm 0,3%. Ðiều đáng nói, việc đưa rau an toàn vào hệ thống phân phối hiện đại thông qua hợp đồng với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chỉ chiếm từ 1% đến 2%. Hơn 80% rau an toàn được phân phối qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối và người sản xuất tự bán lẻ tại các chợ dân sinh. Quy mô sản xuất rau an toàn còn nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn 22 quận, huyện, thị xã.

Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa nhận định, việc sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến việc quản lý rau an toàn rất khó khăn. Về chất lượng, do nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đáp ứng được yêu cầu, cho nên khó đánh giá đúng việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ rau an toàn. Người tiêu dùng khó mua được rau an toàn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thiếu lòng tin với sản phẩm này khi không thể phân biệt rau an toàn với rau không an toàn bằng cảm quan. Về giá bán, người sản xuất chưa bán được rau đúng giá trị. Ngành hàng này có rất ít doanh nghiệp tham gia, bởi vốn đầu tư lớn mà lợi nhuận lại thấp, thu hồi chậm, rủi ro cao. Trong khi đó các HTX nông nghiệp hầu như không đóng được vai trò tiêu thụ rau cho nông dân, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm kinh doanh.

Ðể cải thiện tình trạng này, mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp tổ chức JICA - cơ quan đang triển khai dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực cây trồng an toàn tại khu vực miền bắc đã tổ chức Hội nghị "Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội". Tại hội nghị, các nhà sản xuất rau an toàn, các doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam đã được các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai thành công các chương trình sản xuất rau an toàn tại Nhật Bản và một số tỉnh trong nước.

Theo đại diện JICA, tại Nhật Bản, người sản xuất và người mua cùng hợp tác, tạo sự đồng thuận để sản xuất và phân phối rau an toàn tới người tiêu dùng. Cụ thể, người sản xuất và người mua cùng nhau lập kế hoạch sản xuất và thực hiện sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất đã lập, thông qua các cuộc họp mặt trực tiếp của các bên liên quan nhằm thống nhất ý kiến về chất lượng và tiêu chuẩn giao hàng cho mỗi loại rau. Cuộc họp này sẽ thúc đẩy việc kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thay đổi chiến lược từ "kiểm tra sản phẩm cuối cùng" sang "kiểm soát từng giai đoạn" để bảo đảm chất lượng của sản phẩm.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, hội nghị còn tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất rau an toàn có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Việc liên kết này sẽ góp phần hình thành các chuỗi sản xuất, phân phối khép kín, thuận lợi hơn trong quản lý và giảm chi phí trung gian. Quan trọng hơn, với những kinh nghiệm mà nhóm nghiên cứu chia sẻ, các nhà sản xuất rau an toàn sẽ có cách nghĩ, cách làm mới, vừa tạo niềm tin cho người tiêu dùng, vừa tránh được tình trạng "được mùa rớt giá" hoặc bị tư thương ép giá như trong thời gian qua.

Để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm rau an toàn ngoài các thông tin trên nhãn hiệu, bao bì, các cơ sở sản xuất nông nghiệp đang đưa giải pháp ứng dụng mã phản hồi nhanh (mã hình QR). Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) Phạm Thị Lý chia sẻ, quy trình xác thực chống hàng giả sử dụng thiết bị di động để đọc trực tiếp tem mã QR, không chỉ đưa thông tin chính xác tới người tiêu dùng, mà còn ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng nhái. Hiện nhiều nông trại tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đã ứng dụng mã QR để chứng minh nhật ký ruộng đồng trong sản xuất nông nghiệp sạch nhằm khẳng định và giữ vững niềm tin với người tiêu dùng. Nếu áp dụng những giải pháp này, việc sản xuất tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố thời gian tới sẽ chuyên nghiệp, quy mô và đạt hiệu quả cao hơn.

AN NHIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34017902-huong-phat-trien-thi-truong-rau-an-toan.html