Hương mùi già, mùi hương của Tết

Năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp Tết, người trồng mùi lại tất bật thu hoạch mùi già để phục vụ nhu cầu của người dân dịp cuối năm. Lá mùi được trồng quanh năm nhưng dịp Tết là vụ thu hoạch lớn nhất do nhu cầu sử dụng lá mùi già để tắm rửa; tẩy uế bàn thờ, bát hương, nhà cửa, nhằm xua đuổi vận rủi của năm cũ, đón chào điều tốt đẹp trong năm mới.

Những cây mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây cao chừng hơn 60cm đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi đun lên, có mùi thơm ngát, dễ chịu. Hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu, phảng phất đến vài ba ngày Tết.

Những cây mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây màu nâu tía, khi đun lên, có mùi thơm ngát, dễ chịu.

Bà Lê Thị Biểu (huyện Thanh Oai) năm nào cũng trồng mùi già để bán vào dịp Tết cho biết: gia đình bà có đã có nhiều năm trồng mùi tiếp nối nghề truyền thống của ông cha để lại. Hàng năm, cứ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, gia đình bà bắt đầu gieo mùi. Sau khoảng 3 tháng chăm sóc, cây sẽ ra hoa và kết trái. Gia đình bà bắt đầu thu hoạch mùi từ cuối tháng 11 âm lịch và tháng Chạp là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Một tuần trước Tết Nguyên đán, hai vợ chồng bà hầu như có mặt ở đồng từ sáng đến tối để thu hoạch mùi.

Mùi già sau khi thu hoạch từ đồng về được cả nhà bà Biểu tập trung phân loại, bỏ lá úa, bó thành từng mớ nhỏ và chở đến chợ đầu mối để bán buôn cho thương lái. Mỗi ngày, gia đình bà bán khoảng 2.000 mớ, thu về khoảng 2 triệu đồng - bà Biểu chia sẻ.

Mùi già sau khi thu hoạch từ đồng về được phân loại, bỏ lá úa, bó thành từng mớ nhỏ

Ngày cuối năm, trong không khí đón Giao thừa đang đến, hương mùi già quyện vào đất trời khiến cho không gian trở nên thơm ngát. Một mùi thơm dịu nhẹ mà khó quên, đối với mỗi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu. Khi hương lá mùi ngập tràn trong các gia đình cùng với sắc hoa đào, hoa mai cũng là lúc Tết đã thực sự gõ cửa.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/huong-mui-gia-mui-huong-cua-tet-218912.htm