Hương giang khắc khoải nguồn... thơ

Khi nhắc đến sông Hương là người ta nói đến Huế và ngược lại. Điều gì đã tạo nên sự trọn vẹn trong lòng nhau, bên nhau như hình với bóng giữa một dòng sông cảm như không chảy bên thành trì thấm đẫm rêu phong?

Sông Hương - dòng sông huyền thoại và thi ca. Ảnh: Văn Đình Huy

“Gánh nước cạn sông”

Đang đêm trên chiếc thuyền câu nhỏ bé, bỗng nghe “ơ hờ ơ hơ” từ phía mô đó là trên mặt nước sông: “Anh tới nơi đây bỡ ngỡ bàng ngàng/Ai quen cũng không biết/Ai phũ phàng cũng không hay”.

Đó là hò Huế.

Nhưng nghe nó dài dặc buồn thương liên tưởng thân phận chàng trai.

Năm trước có đôi, năm nay cô lẻ: “Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo/Sông An Cựu nắng đục, mưa trong/Trách người phụ nữ long đong/Thương tôi chưa xiết, trở lòng thương ai!”.

Những năm gần đây, người Huế, hát vui, ơi Huế của ta, ba phần tư... Quảng Bình. Và có lẽ điệu hò trên do chàng trai xa Huế, xa Hương giang đã lâu, nay trở lại. Bến cũ, tình xưa băn khoăn tự hỏi người ấy còn nhớ câu thề?

Hương giang đẹp. Và, đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Thành phố vào đêm. Đó là lúc kinh thành, cầu Trường Tiền lung linh rực rỡ. Hương giang hóa dòng sông với những du thuyền ngược xuôi. Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật đối đáp, nhiều nghệ sĩ hát “lệch” đi vài từ, vài câu cho phù hợp cuộc sống hiện tại: “Em về gánh nước cạn sông/Anh đây mới đếm được mấy cái lông của con chim... anh đèo bòng”.

Sôi động hơn cả là sông Hương vào dịp lễ hội.

Xưa vào rằm tháng Tư hay tháng Bảy có tục thả hoa đăng.

Mấy năm gần đây, người Huế có sáng kiến vào dịp Đản sanh, hạ thủy và thắp sáng bảy đóa sen vàng, tượng trưng cho “bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật” trên sông Hương. Và mỗi năm hai kỳ, vào tháng 3 và tháng 7, là lễ hội điện Hòn Chén, thờ Thiên Y A Na Thánh mẫu. Lễ hội như một Festival về văn hóa dân gian trên sông. Khi ấy, thuyền hoa xuôi ngược. Và hơn 10 năm nay, mỗi kỳ Festival Huế, lễ hội “Huyền thoại sông Hương” đưa du khách trở về một không gian cung đình, vàng son. Hương giang bởi thế còn mang thêm danh xưng: Dòng sông lễ hội.

Và tôi với sông Hương

Chuyện rằng, để hợp dòng nơi ngã ba Tuần, hay còn gọi là ngã ba Bằng Lãng, dòng Tả Trạch bắt nguồn từ dãy Trường Sơn có hành trình 67 cây số, vượt qua 55 thác nước hùng vĩ. Còn ở phía bên kia, dòng Hữu Trạch cũng đã để lại phía sau cung đường hơn 60 cây số và 14 ngọn thác dữ vượt qua.

Cái tên Bằng Lãng chưa rõ xuất xứ lại có vẻ hợp với cảnh trí miền sông núi hùng vĩ, mênh mang này. Còn tên gọi ngã ba Tuần lại cho thấy vị trí chiến lược án ngữ và bảo vệ thủ phủ Kim Long, Phú Xuân hay kinh thành Huế ở phía thượng nguồn sông Hương.

Trong “Phủ biên tạp lục”, cụ Lê Quý Đôn cho biết, thời chúa Nguyễn một sở Tuần đã được thiết lập tại ngã ba Bằng Lãng. Còn “Quốc sử quán triều Nguyễn” sau này thì cho hay, vị vua đầu triều nhà Nguyễn là Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã cho đặt Tuần Hộ sở tại đây. Một lực lượng quân đội đồn trú ở ngã ba thượng nguồn sông Hương này để làm nhiệm vụ bảo vệ phía tây kinh thành Huế. Bên cạnh đó, là lực lượng tuần hà khám xét và thu thuế các thuyền bè chở sản vật từ thượng nguồn sông Hương về kinh thành.

Từ trung tâm thành phố Huế lên ngã ba Tuần không xa. Mấy năm trước, tôi vẫn thường cùng bè bạn tâm giao lên đây. Bên phía Hương Thọ, vừa sáp nhập vào thành phố Huế mở rộng có một quán cà-phê nằm chênh chếch chiếc cầu mới dựng bắc qua sông Hương ở khu vực ngã ba Tuần. Chính tại nơi đây, từ rất nhiều góc nhìn khác nhau, không bị che chắn và lấp khuất, tôi như cảm nhận được đầy đủ hơn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên toàn bích vùng thượng nguồn sông Hương. Trong tôi, nơi hai nguồn Tả và Hữu Trạch giao bôi là một trong những nơi có cảnh quan đẹp nhất xứ thần kinh.

Chợt nghĩ, vào đầu thế kỷ 17, khi lần đầu tiên định đô ở một vùng đất dọc theo dòng sông Hương, Chúa Nguyễn Phúc Lan chắc đã cho người thị sát và ngã ba Tuần này với vị thế, cảnh quan tuyệt vời đã giúp cho vị minh chúa niềm tin khi quyết định chọn Kim Long, cách đó không xa làm thủ phủ xứ Đàng Trong, khởi đầu cho quá trình đô thị hóa trong lịch sử phát triển đi từ Kim Long, Phú Xuân đến Huế. Bắt đầu từ đây, hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch xuôi về hạ lưu, hợp cùng sông Bồ ở ngã ba Sình, có chung tên gọi sông Hương.

Tác phẩm “Ô Châu cận lục” nổi tiếng, do tiên sinh họ Dương hiệu đính, phóng tả về Linh Giang: “Sông do hai nguồn Kim Trà (sông Hương) và Đan Điền (sông Bồ, phụ lưu cấp 1) đổ đến, rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình. Phía tây nam thì có đền tứ vị Thánh Nương, có trạm Địa Linh; phía đông bắc có chùa Sùng Hóa, bia Hoằng Phúc. Còn như tùng thông ở dinh, vườn hoa huyện đường, các chuyên nha (công sở), phủ thự đều nối tiếp nhau ở hai bên bờ tả hữu”. Chính ngay chỗ hợp lưu “rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình” kia của Dương Văn An là ngã ba Sình nổi tiếng, gắn với câu ca: “Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá/Đò từ Vỹ Dạ thắng ngã ba Sình…”.

Hơn 500 năm sau, trong buổi chiều mùa thu nhạt nắng, tôi đã đi dọc theo dòng sông Hương, rồi quay ngược trở lại làng Thanh Phước (huyện Quảng Điền), xưa gọi là Hoằng Phước, một trong 67 làng của huyện Tư Vinh cũ, để từ đó cận cảnh ngắm nhìn ngã ba Sình từ phía dưới lên. Một cảm giác thật khó tả về cảnh trí sông nước, xóm làng như dồn tụ tất thảy về chốn này. Nếu ngã ba Tuần, nơi hợp lưu của đôi dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, khép lại cảnh thác nguồn hùng vĩ để mở ra một thế giới đô hội, thì ở ngay ngã ba Sình này lại tiếp tục lần cuối hợp lưu, lần này là với con sông Bồ lịch sử để kết thúc hành trình 104 km của Hương giang và 94 cây số của Bồ Giang, bởi phía trước đã là khu đầm phá được cho là rộng nhất Đông Nam Á và biển cả mênh mông.

Sông Hương với bao... thi sĩ

Tương truyền, xưa Vua Minh Mạng ngự thuyền đi qua, rung động trước vẻ đẹp non nước hữu tình nơi ngã ba Tuần đã cảm tác: “Một thước nước in trời/Đò ai chiếc lá khơi/Non cao xem vòi vọi/Dòng biếc thấy vơi vơi…”.

Hơn 100 năm sau đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Tôi nghĩ, chính vẻ đẹp của ngã ba Tuần và dòng Hương đã cảm hứng cho những sáng tác Vua Minh Mạng và nhà văn Hoàng Phủ. Hãy đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

Hương giang được ngợi ca, miêu tả trong vẻ đẹp đa dạng, lúc trữ tình êm ả hiền hòa như một “thiếu nữ dịu dàng duyên dáng”, lúc phóng khoáng, man dại, rầm rộ, mãnh liệt như “bản trường ca của rừng già”, có khi dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa”, lúc lại biến ảo “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”.

Nhớ chừng 70 năm trước, chàng thi sĩ trẻ tài hoa Văn Cao đã như lạc vào chốn “Thiên Thai” chỉ vì một lần đêm khuya tựa mạn thuyền rồng trên sông Hương: “Em cạn lời cho anh dứt nhạc/Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh/Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh...”.

Còn với Thu Bồn thì hơn cả nỗi tương tư là khi phải xa sông Hương: “Anh trở về hóa đá phía bên kia...”. Và nhà thơ đã nhận ra nét cốt nhục của lòng mình trong Huế nơi con sông giàu tâm tưởng này: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...”. Văn Cao và Thu Bồn, kẻ bắc người nam, sông Hương là điểm đến đầy hoài niệm.

Ngay cả với nhà thơ xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm, sông Hương vẫn luôn đầy khám phá mới lạ: “Nhưng chiều nay vô tình trong nắng muộn/Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương giang”. Chính bài thơ “Chiều Hương giang” với hai câu kết tuyệt hay này là cảm hứng để nhà soạn nhạc người Mỹ Paul Chichara dàn dựng tác phẩm giao hưởng cùng tên. Paul Chichara bảo rằng, “Chiều Hương giang” đã đem đến cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo đặc biệt. Bài thơ đã mô tả tuyệt đẹp về một khoảnh khắc thanh bình bên bờ Hương giang giữa những khoảnh khắc ác liệt của chiến tranh.

Ngẫm về Vua Minh Mạng, nghĩ đến Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Khoa Điềm, nhớ Văn Cao và Thu Bồn, nghĩ về Paul Chichara người Mỹ, lại nghĩ và như một chiêm nghiệm, không chỉ là môi sinh lý tưởng mà sông Hương còn là một biểu tượng thẩm mỹ của người Huế. Sông đã chở trên mình những vỉa phù sa văn hóa, để nối từ thế hệ này sang thế hệ khác từng lớp quặng, cô lắng trong nhiều di sản nghệ thuật, mà thơ ca là một điển hình. Để rồi, nhắc đến sông Hương, người ta nghĩ ngay đến con sông của thi, ca, nhạc, họa...

Sông Hương và Huế đang được làm mới khi đôi bờ Hương giang xuất hiện các tuyến đường đi bộ giúp người dân và du khách có thể kết nối nhiều điểm hấp dẫn. Ở bờ nam là bến thuyền Tòa Khâm - cầu Trường Tiền - Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị - Công viên Tứ Tượng - Bảo tàng Văn hóa Huế - Bảo tàng thêu XQ - Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Công viên Lý Tự Trọng - Trường THPT Quốc học - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Học viện Âm nhạc Huế - Nhà hát Sông Hương. Nơi phía bắc, trước kia khá hiu hắt, đã hình thành con đường ven sông, kết nối các công viên từ chợ Đông Ba đến cầu Dã Viên. Còn nữa là điểm nhấn ở bờ nam thu hút nhiều người đến thưởng ngoạn là cầu gỗ lim dài hơn 300 m nằm sát mặt sông.

Theo Nguyễn Công Hậu (NDĐT)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202203/huong-giang-khac-khoai-nguon-tho-5769456/