Hướng đến nông nghiệp chất lượng cao

Vượt lên nhiều trở ngại, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Triển vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục mở ra khi Việt Nam đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại rau quả và sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường mới. Ảnh minh họa.

Triển vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục mở ra khi Việt Nam đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại rau quả và sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường mới. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kỳ tích xuất khẩu nông sản đến từ 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ chốt có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, gỗ... Nhiều sản phẩm nông sản đã có chỗ đứng trong các thị trường lớn như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN... Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 28%. Triển vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục mở ra khi Việt Nam đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại rau quả và sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường mới.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn nhiều nút thắt, khiến cho việc tiêu thụ nông sản đôi khi còn bị bỏ ngỏ dẫn tới tình trạng tiểu thương lợi dụng, thao túng giá cả thị trường, thậm chí bẻ gãy chuỗi liên kết.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các FTA đã có hiệu lực.

Để giải quyết những điểm “nghẽn” trong phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, đòi hỏi nỗ lực lớn trong chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Hiện, cả nước có 4.710ha quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình hay về doanh nghiệp liên doanh, liên kết gắn với người nông dân, từ giống, phân bón, sản phẩm nông sản... Tuy nhiên, thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm nhiều. Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

Để phát triển chuỗi liên kết, nhiều chuyên gia cho rằng, phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mực đầu ra. Không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái. Ngoài vai trò nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

Các địa phương cần làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết trong tổ chức sản xuất; sâu sát với nông dân và doanh nghiệp chế biến nông sản. Ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp chất lượng cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-den-nong-nghiep-chat-luong-cao-post451618.html