Hướng đến những vụ mùa 'Già đồng hơn xanh trong nhà'

Sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, ở thời điểm cuối vụ, ngành nông nghiệp thường khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm 'Xanh nhà hơn già đồng' nhằm tránh mưa bão. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, đối với những diện tích lúa được thu hoạch để tránh bão, chạy lũ, lúa chỉ mới chín non, dù được đưa về nhà để bảo toàn số lượng thì chất lượng cũng không đảm bảo. Ngoài những nỗ lực để nâng cao năng suất mùa vụ, ngành nông nghiệp cần tăng cường hơn nữa các giải pháp đảm bảo ngành trồng trọt đứng vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi quan niệm thu hoạch vụ mùa một cách chủ động theo hướng 'Già đồng hơn xanh trong nhà'.

 Khẩn trương thu hoạch vụ hè thu năm 2020 - Ảnh: T.T

Khẩn trương thu hoạch vụ hè thu năm 2020 - Ảnh: T.T

Vụ hè thu năm nay, dù sản xuất gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, xảy ra trên diện rộng, nhưng nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên phần lớn diện tích lúa tại các địa phương vẫn bảo đảm năng suất, sản lượng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 16.500 ha lúa vụ hè thu trên tổng số diện tích gieo cấy toàn tỉnh là 22.600 ha. Theo ước tính, năng suất lúa toàn tỉnh đạt trên 52,5 tạ/ha, tương đương vụ hè thu năm trước, giá lúa cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Hải Lăng là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa vụ hè thu trước ngày 20/8/2020, đảm bảo khung lịch thời vụ. Với diện tích gieo cấy toàn huyện hơn 6.659 ha, năng suất vụ hè thu năm 2020 ước đạt 61,23 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Sơn, thành viên Hợp tác xã Kim Giao, xã Hải Dương cho biết: “Những năm trước, khi bước vào thu hoạch lúa hè thu, nông dân luôn lo lắng do giá lúa đầu vụ thường giảm. Vụ hè thu năm nay, dù mới bước vào thu hoạch trà đầu nhưng thương lái đã đến mua với giá cao hơn so với năm trước. Hiện tại, thương lái mua lúa phơi một nắng của nông dân với giá từ 6.800 - 8.000 đồng/kg, tùy theo giống lúa. Gia đình tôi gieo cấy 3 mẫu, năng suất khá hơn mọi năm nên thu nhập cũng cao hơn”.

Để có được kết quả này, khi bắt đầu triển khai vụ hè thu, huyện Hải Lăng đã yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, chủ động các phương án chống hạn ngay từ đầu vụ như sử dụng giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chuyển đổi ruộng thiếu nước sang cây trồng chịu hạn, sử dụng tiết kiệm nước tưới, chủ động chuẩn bị nguồn nước, phương tiện bơm tưới, sẵn sàng huy động khi cần thiết.

Hiện còn hơn 6.000 ha lúa chưa thu hoạch đang ở giai đoạn chín sữa - chín hoàn toàn, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong và thành phố Đông Hà, nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa, giông trong những ngày tới.

Để sản phẩm lúa thu hoạch đảm bảo chất lượng, ngành nông nghiệp cần tăng cường chỉ đạo các địa phương, người dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các biện pháp cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Trước hết là phải tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ. Những vùng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng huyện Hải Lăng phải bố trí thời vụ gieo cấy sớm, đảm bảo thu hoạch trước ngày 20/8/2020. Những vùng không chủ động nước tưới, lịch gieo cấy có thể bố trí muộn hơn nhưng phải đảm bảo thời gian thu hoạch để hạn chế thiệt hại do ngập úng khi mưa lũ vào cuối vụ. “Vụ hè thu năm nay, huyện Cam Lộ đã linh động bố trí lùi lịch gieo trồng đối với những vùng cao bị ngập lũ, không chủ động được nguồn nước tưới, hạn chế ảnh hưởng vào thời kỳ cây lúa làm đòng”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết.

Về cơ cấu giống lúa, sử dụng giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với 2 vụ sản xuất/ năm. Được biết ngoài giống lúa HC 95, ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm đối với 2 giống N26, ĐT100 để vào bộ giống chủ lực của tỉnh, tiến tới triển khai áp dụng trên diện rộng.

Công tác thủy lợi, tưới tiêu cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Ngành nông nghiệp đã áp dụng đồng bộ các giải pháp để điều tiết, tưới tiêu nước tiết kiệm, khoa học đối với các diện tích lúa chủ động nước, chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang cây trồng cạn. Đồng thời tăng cường xây dựng các mô hình điểm, nhất là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước để nhân rộng. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những giải pháp ứng phó với khô hạn và dịch bệnh trong quá trình sản xuất.

Là một trong 7 tỉnh được hưởng Dự ánCải thiện nông nghiệp có tưới từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2014 - 2020, từ năm 2016, Quảng Trị đã triển khai hợp phần xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh bằng những giải pháp canh tác khoa học. Đây là sự kết hợp linh hoạt giữa tiến bộ kỹ thuật với kinh nghiệm canh tác và thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, ứng phó với điều kiện bất thường của thời tiết để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Đến nay, toàn tỉnh có gần 70 hợp tác xã tham gia mô hình với diện tích hơn 1.000 ha và diện tích nhân rộng lên đến 5.500 ha. Mô hình này tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, để tuyên truyền nhân rộng mô hình thì cần rất nhiều yếu tố, bởi để tham gia mô hình này phải đáp ứng yêu cầu đồng ruộng phải liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 10 ha trở lên và đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động, địa hình bằng phẳng, hạ tầng nội đồng tốt.

Ngoài ra, khâu bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản nói chung và sản phẩm lúa nói riêng hiện nay đang là trở ngại lớn trong quy trình sản xuất nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất là số lượng máy sấy, hệ thống lò sấy lúa trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Sau thu hoạch, người dân chủ yếu tận dùng lòng, lề đường, sân nhà để phơi lúa. Những diện tích lúa gặt muộn, gặp thời tiết bất lợi như mưa, bão thì việc phơi sấy càng bất cập, nhiều nơi lúa bị ẩm, lên mầm đành phải bỏ đi.

Lâu nay, người dân vùng thường bị ngập úng cuối vụ hay quan niệm: “Xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch lúa chạy đua với mưa lũ mặc dù lúa chưa được chín tới, chín rộ. Ứng phó với điều kiện thời tiết mưa, bão khi vụ mùa chưa kết thúc theo cách truyền thống là thu hoạch lúa chín non về nhà mà chất lượng không đảm bảo không phải là giải pháp được khuyến khích đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm theo hướng: “Già đồng hơn xanh trong nhà” bằng cách tuân thủ nghiêm túc khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, chú trọng khâu tiêu úng, đưa vào gieo cấy giống lúa mới để vừa tránh được hạn đầu vụ, lách được lũ cuối vụ, áp dụng cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mùa, coi trọng việc bảo quản lúa sau thu hoạch… Để làm được điều này, ngành nông nghiệp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp… cần sớm có chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nông dân để đảm bảo thu hoạch vụ mùa thuận lợi và nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch, đem lại hiệu quả ngày càng cao.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151266