Hướng đến lối sống tiết độ

Buổi talkshow với chủ đề 'Hướng đến lối sống tiết độ: đâu là thách thức với người tiêu dùng' do Viện Pháp Huế tổ chức mới đây với sự tham gia của diễn giả Alérie Guillard, Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Giáo sư Đại học Paris Dauphine và dịch giả, TS. Lê Đức Quang đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

 Diễn giả Alérie Guillard và dịch giả Lê Đức Quang

Diễn giả Alérie Guillard và dịch giả Lê Đức Quang

“Hướng đến lối sống tiết độ” là đề tài mà TS. Alérie Guillard đã dày công nghiên cứu những năm qua. Bà nhận được giải thưởng cho luận án về những người tiêu dùng có xu hướng giữ lại mọi thứ (Giải xuất bản từ FNEGE, Quỹ Quốc gia về Giảng dạy Quản lý Kinh doanh) và xuất bản cuốn sách “Garder à tout prix, une tendance très tendance” (tạm dịch: Giữ lại bằng mọi giá, một xu hướng rất thịnh hành).

Alérie Guillard đã tham gia nhiều chương trình, hội nghị về vấn đề này như Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Hiệp hội Tiếp thị Pháp với chủ đề “Người tiêu dùng nhận thấy mình đang lãng phí đồ vật ở mức độ nào? Cách tiếp cận tình huống”, Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Hiệp hội Marketing Pháp với chủ đề “Tiêu dùng dựa trên khả năng tiếp cận có thể lên đến mức độ nào? Trường hợp cụ thế: cho thuê quần áo cao cấp”, “Quà tặng có giá trị đối với người nhận chúng không?”, “Ngày Nghiên cứu Tiếp thị lần thứ 4 tại Grand Est , Mons, Bỉ” với chủ đề “Lãng phí một đồ vật có ý nghĩa gì đối với người tiêu dùng? Tam giác hóa các phương pháp xác định và khái niệm hóa sự lãng phí đồ vật”.

Tại buổi talkshow lần này, TS. Alérie Guillard nêu ra những nguyên nhân tâm lý của việc tích trữ quá nhiều đồ đạc, thực trạng và mặt trái của vấn đề này tại Pháp, những trường hợp cá biệt, mâu thuẫn giữa các phong cách sống,… Alérie Guillardcho rằng, việc tích trữ quá nhiều đồ đạc gây khó khăn cho việc sắp xếp, quản lý, thu hẹp không gian sống và gây cảm giác khó chịu, không thoải mái cho các thành viên trong gia đình. Sự lộn xộn đó còn là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng tính quy củ vốn được đề cao trong một số tín ngưỡng và tôn giáo.

Việc làm này còn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của chủ thể với những người xung quanh. Bà chỉ ra trường hợp những sinh viên thuê nhà sống chung tại Pháp hay các cặp vợ chồng. Một người thích lưu giữ mọi thứ, người kia lại có xu hướng bỏ đi những đồ vật không cần thiết, nên giữa họ nảy sinh những mâu thuẫn, rạn nứt khó dung hòa. Trên phương diện y học, đây cũng là một dạng bệnh lý tâm thần với tên khoa học là “Diogenes” (một triết gia Hy Lạp cổ đồng sáng lập ra “chủ nghĩa yếm thế” gây nhiều tranh cãi), nên cần được thông cảm và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Để giảm thiểu rủi ro về mặt chi phí, Alérie Guillard khuyên khán giả nếu quyết định chọn lối sống tiết độ, trước khi vứt đi một món đồ nào nên tự hỏi bản thân chúng có thực sự còn giá trị sử dụng hay ý nghĩa tinh thần, kỷ niệm nào với bản thân không?

Tích trữ nhiều đồ đạc là một phần trong văn hóa người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt là ở một tỉnh miền Trung với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, kinh tế còn chưa phát triển mạnh như Thừa Thiên Huế thì quan niệm “giữ của” càng mạnh mẽ và khó thay đổi. Nhưng hiện nay, phong cách sống tối giản của các nước phương Tây và Nhật Bản lại đang phát huy tính tích cực của khi hài hòa với nhịp sống thời đại 4.0. Có lẽ, “dung hòa” là đáp án thích hợp nhất cho câu hỏi: “Hướng đến lối sống tiết độ: đâu là thách thức với người tiêu dùng?”

Bài, ảnh: THỤC ĐAN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/huong-den-loi-song-tiet-do-136025.html