Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập

Những năm qua, UBND xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhân dân bản Bon, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, chăm sóc vườn cây ăn quả.

Nhân dân bản Bon, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, chăm sóc vườn cây ăn quả.

Mường Khiêng có 23 bản, trong đó 21 bản đặc biệt khó khăn, với hơn 2.100 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,9%. Hằng năm, xã tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đến nay, có 842 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện, với tổng dư nợ là 81 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp được ngành LĐ-TB và XH địa phương giới thiệu để tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. 4 tháng đầu năm, xã có 400 người đi lao động ngoài tỉnh, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cà Văn Quyển, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đối với các bản vùng thấp, xã hướng dẫn nhân dân chuyển từ cây ngô năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao; ở các bản vùng cao phát triển chăn nuôi gia súc; các bản dọc sông Đà tận dụng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đến nay, có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu tại các bản, như mô hình trồng cây ăn quả tại bản Bon, Bố Cục, bản Kềm; nuôi cá lồng tại bản Huổi Pản...

UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho 380 ha cây nhãn, xoài. Hằng năm, nhân dân duy trì gieo cấy hơn 300 ha lúa ruộng 2 vụ; trồng 1.000 ha sắn cao sản; chăn nuôi hơn 12.000 con gia súc và gần 50.000 con gia cầm; trồng gần 100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Sử dụng 6.000m2 mặt nước lòng hồ nuôi 81 lồng cá. Bà con còn trồng và chăm sóc 104 ha rừng tại các bản Hốc, Pục Tứn và Sào Và.

HTX Huổi Pản có 15 thành viên nuôi cá lồng với tổng số 62 lồng cá, thu nhập đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm. Anh Vì Văn Nghiêm, thành viên HTX, cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 8 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá trắm, lăng vàng, nheo, diêu hồng. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu sử dụng bột ngô, sắn, rau, lá chuối và cá tạp; cá lớn nhanh, thịt thơm, chắc, được nhiều người đặt mua. Mỗi năm, gia đình xuất bán 5-7 tấn cá, trừ các chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng. Nhờ tham gia HTX, tôi được trao đổi, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá và có thị trường tiêu thụ, nơi cung cấp nguồn cá giống ổn định.

Ông Tòng Văn Hưng, bản Bố Cục, chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư giống, phân bón trồng 0,9 ha xoài Đài Loan. Bình quân mỗi năm sản lượng đạt 3 tấn quả. Bên cạnh đó, gia đình còn nuôi bò sinh sản, từ đầu năm đến nay, đã bán 3 con bê, thu 20 triệu đồng. Chúng tôi mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho cây ăn quả để yên tâm phát triển kinh tế.

Phát huy kết quả đạt được, xã Mường Khiêng tiếp tục tuyên truyền nhân dân sản xuất theo hướng nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường; phối hợp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nhân dân sản xuất hiệu quả; mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/huong-dan-nhan-dan-chuyen-doi-san-xuat-nang-cao-thu-nhap-DyaTPeLIR.html