Hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam: Ai cần tiêm?

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng Covid-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Hiện nay Covid-19 được kiểm soát, quản lý bền vững theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế, trong đó tiêm vaccine là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2023-2025.

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế; Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 như sau:

Đối tượng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 bao gồm: Cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.

Liều tiêm: Nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 01 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 01 liều cách liều trước đó từ ít nhất 06 tháng bằng vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Đối với phụ nữ có thai tiêm 01 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.

Vaccine AstraZeneca (AZD1222) là 1 trong 14 loại vaccine Covid-19 được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 15/2/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu - EMA cấp phép sử dụng có điều kiện trên toàn châu Âu từ ngày 29/1/2021.

Vaccine này hiện là một trong những vaccine được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp và hơn 2 tỉ liều đã được tiêm chủng toàn cầu.

WHO khuyến cáo rằng, sử dụng vaccine AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Tác dụng phụ hiếm gặp như huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) số liệu từ Anh và châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện TTS ước tính là 1 trên 100,000 người lớn được tiêm và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày. Một thống kê khác của GAVI cho thấy, tỉ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0.4/100.000 người).

Nghiên cứu thống kê cho thấy, tỉ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine là thấp hơn nhiều so với tỉ lệ mắc phải hội chứng này sau khi nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, cục máu đông có thể xuất phát từ việc mắc Covid-19, thậm chí xảy ra đến tận 6 tháng sau khi mắc Covid-19. Với tỉ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO và EMA đều khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vaccine AZ trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 vượt xa so với rủi ro.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-dan-moi-nhat-ve-tiem-vaccine-covid-19-tai-viet-nam-ai-can-tiem-10279773.html