Hướng dẫn đưa tin bài về vaccine COVID-19 chính xác

Sáng 28/4, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tổ chức tọa đàm một số lưu ý khi đưa tin bài về vaccine COVID-19 cho phóng viên báo chí.

Để giúp tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine COVID-19 và các vaccine dịch mới khác ở Việt Nam, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tọa đàm "Một số lưu ý khi đưa tin bài về vaccine COVID-19".

Tọa đàm về một số lưu ý khi đưa tin bài về vaccine COVID-19 cho phóng viên báo chí.

Tọa đàm về một số lưu ý khi đưa tin bài về vaccine COVID-19 cho phóng viên báo chí.

Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 684 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và 6,8 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, trải qua 04 làn sóng dịch, hơn 11,5 triệu người đã nhiễm bệnh và hơn 43 nghìn người đã tử vong. Cùng với các biện pháp phòng lây nhiễm như 5K, vaccine đã giúp khống chế dịch và giảm thiểu tử vong.

Tuy nhiên, việc đưa vào sử dụng một vaccine mới trong thời gian ngắn có rất nhiều thách thức. Rất nhiều thông tin sai, thông tin giả về dịch COVID-19 và vaccine phòng COVID-19 lan tràn trên các kênh thông tin khác nhau và ảnh hưởng tới nhận thức của người dân về dịch. Các thông tin này ảnh hưởng tới việc người dân quyết định tiêm vaccine. Các vùng có tỉ lệ thông tin giả cao hơn có tỉ lệ tiêm phòng thấp hơn vùng người dân nhận được thông tin đúng.

Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, trong khi nhà nước đã nỗ lực để mọi người dân đều được tiếp cận vaccine, vẫn còn các thách thức trong việc đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và minh bạch đặc biệt khi vaccine còn khan hiếm. Nhóm có nguy cơ cao hơn như người cao tuổi, người mắc một số bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai chưa được coi là nhóm ưu tiên khi bắt đầu chương trình tiêm phòng.

Bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock chia sẻ tại tọa đàm.

Bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock chia sẻ tại tọa đàm.

Tình trạng đăng kí hộ khẩu và tình trạng thuê nhà cũng có thể ảnh hưởng tới tiếp cận vaccine. Thông tin về vaccine chưa đáp ứng được nhu cầu của một số nhóm như người chuyển giới, người có HIV… Điểm tiêm phòng chưa tiếp cận được người khuyết tật vận động, nghe, nhìn.

BS Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chia sẻ hướng dẫn đưa tin bài về dịch COVID-19 của tổ chức Y tế Thế giới. Theo đó có 11 điểm cần lưu ý cho phóng viên khi đưa tin bài về vaccine COVID-19. Các điểm này tập trung chủ yếu vào tính chính xác của thông tin và khía cạnh y tế của vaccine mà chưa đề cập được đến những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội làm ảnh hưởng tới tiếp cận vaccine.

5 điểm cần lưu ý trong đưa tin bài về vaccine được tổng hợp thành nguyên tắc CLEAR bao gồm: Kết nối, tạo sự trao đổi thông tin đa chiều giữa các nhóm liên quan (Connection); Ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu, tiếp cận được (Language); Công bằng trong tiếp cận vaccine (Equity); Thông tin chính xác và đầy đủ (Accuracy); Tiếp cận dựa trên quyền (Right-based approach).

Tin bài về vaccine không chỉ là đưa thông tin mà giúp kết nối, tạo thông tin đa chiều giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, những chuyên gia y học dự phòng, cán bộ y tế, các nhà nghiên cứu xã hội và người dân ở cộng đồng và ngược lại.

Tiêu chí quan trọng nhất là thông tin chính xác và đầy đủ. Đây là tiêu chí thiết yếu trong tin bài về vaccine vì đây là một sản phẩm y tế quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ cho phóng viên xác định tính chính xác thông tin.

3 yếu tố phóng viên cần quan tâm tới là chính xác, dễ hiểu và dễ tiếp cận. Đảm bảo sử dụng đúng từ để mô tả cho điều muốn nói về vaccine. Đảm bảo diễn giải các thuật ngữ chuyên môn thành ngôn ngữ thông thường có thể hiểu được với đại chúng. Trong trường hợp cần thiết, phóng viên nên sử dụng hình ảnh, video để minh họa.

Đảm bảo thông tin có thể tiếp cận được cả bằng dạng văn bản viết, hình, tiếng và ngôn ngữ kí hiệu để những người có khuyết tật nhìn hay nghe có thể tiếp cận được. Các website thông tin cần đảm bảo có thể điều chỉnh được ánh sáng và cỡ chữ để thân thiện với người khuyết tật nhìn. Ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, thông tin cần được chuyển ngữ sang tiếng dân tộc phù hợp.

Mọi người đều có quyền tiếp cận vaccine nhưng trong điều kiện hạn chế về nguồn lực mua vaccine và đôi khi cả nguồn cung cấp vaccine, không phải ai cũng được tiếp cận ngay với vaccine khi cần. Nguyên tắc về công bằng cần được áp dụng trong trường hợp này, vaccine được tiếp cận theo nguy cơ về bệnh dịch tức là ai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hoặc nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe khi mắc bệnh cao hơn (ví dụ nguy cơ tử vong) được ưu tiên tiếp cận vaccine trước.

Thông tin về vaccine bao gồm tác dụng và tác dụng phụ được cung cấp đầy đủ và theo hình thức có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Người tiêm vaccine được cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về đợt tiêm vaccine và các yêu cầu về phòng dịch và thủ tục hành chính khi đến tiêm loại/tên vaccine được tiêm, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản; Các phản ứng phụ ngắn hạn và lâu dài có thể xảy ra, cách theo dõi và xử trí các tác dụng phụ này khi nào cần liên hệ cơ sở y tế và thông tin liên hệ....

Chia sẻ về việc tiếp tục tiêm mũi 4 và 5 vaccine COVID-19, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock cho biết, việc tiêm mũi 4 và 5 được khuyến cáo với nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi (65 tuổi trở nên), nhóm trung niên bị bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, các bệnh suy giảm miễn dịch...

Cận Cảnh Phiên Xét Xử Phúc Thẩm Và Sự Phẫn Nộ Vụ Bé Gái 8 Tuổi Bị Dì Ghẻ "Dạy Dỗ" Đến Tử Vong | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-dan-dua-tin-bai-ve-vaccine-covid-19-chinh-xac-169230428105314654.htm