Hướng dẫn đặc biệt về GenAI

Tại Trường ĐH Lund hàng đầu Thụy Điển, các giáo viên quyết định sinh viên nào được phép dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ học tập, theo Reuters.

Với Trường ĐH Western Australia (Úc), sinh viên được trao đổi về các thách thức và lợi ích tiềm tàng của AI trong khi Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) cho phép sử dụng AI theo quy định nghiêm ngặt. Những điều này cho thấy AI đang thu hút sự chú ý của giới học thuật như thế nào.

Trong khi đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm 6-9 đã công bố hướng dẫn quốc tế đầu tiên về AI tạo sinh (Generation AI, gọi tắt là GenAI) trong giáo dục và nghiên cứu học thuật.

GenAI là thế hệ AI tiên tiến đang "làm mưa làm gió" dưới hình thức các chatbot như chatGPT của OpenAI hay các đối thủ tiềm năng của nó là Brad của Google, Ernie của Baidu…

Biểu tượng của OpenAI trong khuôn viên Trường ĐH Tel Aviv (Israel) khi ông Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI và là người sáng tạo ChatGPT, đến thuyết trình hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Biểu tượng của OpenAI trong khuôn viên Trường ĐH Tel Aviv (Israel) khi ông Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI và là người sáng tạo ChatGPT, đến thuyết trình hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Hướng dẫn mới của UNESCO kêu gọi các chính phủ quản lý việc sử dụng GenAI, bao gồm bảo vệ dữ liệu, xem lại luật bản quyền, đặt ra giới hạn độ tuổi sử dụng AI…

UNESCO đặc biệt nhấn mạnh các chính phủ cần phê duyệt chương trình giảng dạy AI trong giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và các lĩnh vực kỹ thuật.

"Các nhà cung cấp GenAI phải tuân thủ các giá trị cốt lõi, pháp luật, tôn trọng sở hữu trí tuệ và quy tắc đạo đức, ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch và sự thù địch" - UNESCO viết trong bản hướng dẫn dài 64 trang, đồng thời kêu gọi không để GenAI tước đi cơ hội phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội thông qua quan sát thế giới thực, thực hành thí nghiệm cũng như thảo luận với người khác và suy nghĩ độc lập.

UNESCO cũng cảnh báo nguy cơ GenAI gây thêm chia rẽ xã hội khi mà sự thành công về kinh tế và giáo dục ngày càng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận điện, máy tính và internet. "Chúng tôi đang đấu tranh để đưa tốc độ chuyển đổi giáo dục bắt kịp tiến bộ công nghệ" - trợ lý tổng giám đốc phụ trách giáo dục của UNESCO, bà Stefania Giannini, nói với Reuters.

Trong số các nước tiên phong, Trung Quốc hiện đã xây dựng các quy định về GenAI trong khi Singapore, Anh… lên kế hoạch chiến lược về AI trong giáo dục và nỗ lực đào tạo giáo viên về công nghệ. Liên minh châu Âu (EU) cũng có dự thảo Đạo luật AI điều chỉnh nhiều lĩnh vực chứ không riêng giáo dục và dự định thông qua vào cuối năm nay.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/huong-dan-dac-biet-ve-genai-20230907213931666.htm