Hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây quế

Ngày 10/5, tại xã Nậm Lúc (Bắc Hà), Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) tổ chức hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây quế cho nông dân.

Hướng dẫn người dân nhận biết sâu bệnh gây hại trên cây quế.

Tại thực địa, các hộ dân được chuyên gia lâm nghiệp hướng dẫn cách điều tra sâu hại quế, nhận biết thành phần các loại sâu hại quế; đặc điểm hình thái, vòng đời, lịch phát sinh của sâu đo hại quế; phòng trừ sâu hại quế theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, cây quế trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 70 loài sâu gây hại, trong đó có 3 nhóm sâu hại chính gồm nhóm sâu hại lá, sâu hại thân, cành, ngọn và sâu hại rễ. Cách nhận biết từng loại sâu đang gây hại được thực hiện thông qua việc thăm rừng, điều tra định kỳ bằng mắt thường khi quan sát tán lá, thân cây, rễ cây và nghe tiếng phân sâu rơi.

Hướng dẫn biện pháp thu gom nhộng sâu đo hại quế ở dưới thảm mục và lớp đất xung quanh gốc cây.

Các phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại quế theo hướng hữu cơ gồm: Biện pháp thủ công, người dân cần thường xuyên theo dõi, thu trứng, sâu non ở trên lá, thu nhộng sâu ở dưới thảm mục và lớp đất sâu từ 1 - 5 cm tại xung quanh gốc cây; sâu hại vỏ ở trên thân cây và vị trí ở trên cao sử dụng chổi quét lên thân.

Sử dụng đèn ánh sáng tia cực tím (UV) để bẫy sâu trưởng thành (đã hóa bướm). Treo đèn ở độ cao từ 60 - 100 cm, ở phía dưới đào hố độ sâu vừa phải, sau đó trải tấm nilon xuống để giữ nước, đổ thêm một ít dầu ăn hoặc dầu hỏa để tiêu diệt sâu. Thời gian đặt bẫy đèn hiệu quả nhất khi xuất hiện sâu trưởng trưởng thành. Đặt bẫy đèn vào lúc 6 giờ tối (mùa đông) và 7 giờ tối (mùa hè) và thu sâu trưởng thành vào buổi sáng ngày hôm sau.

Hướng dẫn người dân bẫy đèn ánh sáng tia cực tím (UV) để bẫy sâu trưởng thành (đã hóa bướm).

Sâu trưởng thành bị thu hút bởi ánh sáng của đèn, bị rơi xuống bẫy.

Về biện pháp lâm sinh, thực hiện phát dọn dây leo và cỏ dại lấn át quế 2 lần/năm, tỉa thưa đúng mật độ, bón phân phân đúng kỹ thuật.

Chỉ tiến hành phun thuốc khi tỷ lệ gây hại của sâu ở mức 20 - 23%; phun nhắc lại sau từ 7 - 10 ngày nếu tỷ lệ hại không giảm và ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Để phát triển ngành hàng quế bền vững, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, tỉnh định hướng người dân sản xuất quế theo hướng hữu cơ. Do vậy người dân cần chủ động và tuân thủ các biện pháp sản xuất, như: Chọn giống cây khỏe mạnh, cây có khả năng chống chịu sâu hại; chủ động điều tra, theo dõi sâu bệnh; sử dụng biện pháp thủ công, sinh học để phòng trừ sâu bệnh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học (được Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép sử dụng).

Khuyến cáo của cơ quan chuyên môn: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoạt chất Abamectin hoặc có vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000 IU + Granulosis virus 108 PIB hoặc Azadirachtin để phun trừ sâu đo hại lá quế. Phun hai lần, nếu sau lần phun thứ nhất điều tra vẫn thấy có sâu hại thì phun nhắc lại lần hai (lần hai sau lần một từ 7 đến 10 ngày); đối với sâu hại vỏ, trước khi phun phá màng nơi cư trú của sâu non.

Tiến hành phun vào buổi sáng sớm và chiều tối (khi trời không mưa), liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phun thuốc đều cho toàn bộ cây, số lượng cây cần phun, phun ướt mặt trên và mặt dưới lá, phun từ chân đồi lên đỉnh đồi và phun xuôi theo chiều gió.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/huong-dan-bien-phap-phong-tru-sau-benh-hai-tren-cay-que-post383935.html