Hưng Yên phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp

Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm và hướng đi đúng đắn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật sau 20 năm tái lập tỉnh.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Toyota Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên).

Đến nay, Hưng Yên đã xây dựng được nền tảng kinh tế - xã hội đồng bộ và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua liên tục đạt khá, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 1997-2005 tăng hơn 12%/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng 11,74%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,85%/năm; năm 2016 ước tăng 8,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Kinh tế công nghiệp có bước phát triển đột phá. Khi mới tái lập, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư 36 tỷ đồng, năm dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 60,3 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 355 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt năm triệu USD. Đến nay, tỉnh thu hút được 1.438 dự án (1.073 dự án trong nước, 365 dự án nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đạt 98 nghìn tỷ đồng và 3,5 tỷ USD; có 885 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho gần 150 nghìn lao động; 7.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 92 nghìn tỷ đồng, gấp 260 lần năm 1997. Nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng và đang hoạt động hiệu quả, trong đó KCN Thăng Long II được đánh giá là một trong những KCN kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp của Việt Nam.

Kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, an toàn và có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hình thành 92 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được coi trọng, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, góp phần đưa giá trị sản phẩm thu được bình quân trên một ha canh tác tăng từ 28 triệu đồng năm 1997 lên 162,5 triệu đồng năm 2016.

Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 32%; bộ mặt nông thôn và thành thị có nhiều thay đổi khang trang, khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Về Hưng Yên hôm nay, người dân không còn phải chờ phà vượt sông hay đi trên những con đường chật hẹp. Hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh được tập trung đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ và hiện đại. Những cây cầu lớn như: Yên Lệnh, Hưng Hà vượt sông Hồng, cùng nhiều tuyến đường trọng điểm như: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hưng Yên kết nối cùng tuyến quốc lộ 5A, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội; đường đê tả sông Hồng; đường tỉnh 376 (đường 200 cũ); đường nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình… đã và đang hình thành những tuyến giao thông huyết mạch kết nối và lan tỏa không những trong tỉnh mà còn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Qua đó, thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; là động lực to lớn để Hưng Yên phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện và có nhiều tiến bộ. Giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 271 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hưng Yên là tỉnh thứ sáu trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, tỉnh thứ bảy đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II. Khu Đại học Phố Hiến có bốn trường đại học đã và đang đầu tư xây dựng. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. 70,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Toàn tỉnh có 86% số làng, khu phố văn hóa, 89% số gia đình văn hóa. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện toàn diện. Công tác xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hằng năm có 78,37% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng cao với tỷ lệ chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh đạt 83%...

Những thành tựu đạt được đã tạo thế và lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Đó cũng là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã xác định ba khâu đột phá chiến lược là: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông; trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển ở các ngành trong cùng cấp.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng sáu Chương trình và 11 Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện; trong đó có năm Đề án về lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh xác định các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; có thêm hai đến ba khu công nghiệp và 10 Cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng đi vào hoạt động; tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có vốn đăng ký đạt hơn 10 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn năm tỷ USD; giá trị thu được trên một héc-ta canh tác bình quân đạt hơn 210 triệu đồng; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 65 đến 70%; toàn tỉnh có hơn 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 95%…

Để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh phấn đấu tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng thành phố công nghiệp tại huyện Yên Mỹ. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, nhất là xây dựng giao thông. Phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực huy động các nguồn lực, khai thác các nguồn thu, tăng tỷ lệ thu nội địa, bảo đảm chi hiệu quả; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường công tác xây dựng Đảng; rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên...

Với niềm tin phấn khởi trước những thành tựu quan trọng và toàn diện đạt được qua 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, các kết quả, thành tích đạt được trong những năm qua, đoàn kết, phấn đấu, hăng hái thi đua lao động - sản xuất, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế, quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

ĐỖ TIẾN SỸ

Ủy viên T.Ư Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh Hưng Yên ước tính đạt hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 6.300 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng, tăng gấp 11 lần so với khi tái lập tỉnh. Năm 2017, Hưng Yên phấn đấu tự cân đối được thu - chi ngân sách và tiến tới là một trong số các địa phương có đóng góp thu ngân sách về Trung ương.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31510502-hung-yen-phan-dau-som-tro-thanh-tinh-cong-nghiep.html