Huế: Lăng vua Thiệu Trị xuống cấp nghiêm trọng

Nằm không xa trung tâm Kinh thành Huế, nhưng hơn 20 năm nay, kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lăng vua Thiệu Trị (tọa lạc tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày một hoang tàn và luôn nằm trong tình trạng nguy cấp.

Lăng vua Thiệu Trị là một trong các công trình quan trọng trong hệ thống kiến trúc cung đình, lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn. Lăng được hoàn thành vào năm 1848, do vua Tự Đức đích thân chọn địa điểm và xây dựng.

Kiến trúc tổng thể của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng vua Minh Mạng và lăng vua Gia Long. Là một trong các quần thể di tích Cố đô Huế, Lăng vua Thiệu Trị mang những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đã được UNESCO (Tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên hợp quốc) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12 năm 1993.

Thế nhưng, trải qua thời gian, chiến tranh và sự xâm hại của con người đã khiến cho khu di tích mang đậm giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo này xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Theo quan sát, công trình đã trở nên hoang tàn, gạch lát nhiều chỗ bị bong tróc hư hỏng, mái che không còn nguyên vẹn, nhiều bức tường trong khuôn viên tường thành đã bị sụp đổ, cỏ cây mọc um tùm rêu phong bao phủ. Người dân sống gần đó vô ý thức còn thả trâu bò trong khuôn viên lăng, khiến nơi đây trở nên ô nhiễm, mất vệ sinh.

Đặc biệt, nhà bia “Thánh đức thần công” khắc đến 2.500 chữ của Vua Tự Đức nhằm ca ngợi công đức của Vua cha, nay mái che xiêu vẹo, cột, kèo đã bị mối mọt phải nhờ đến sự “trợ giúp” của những thanh đà gỗ chống tứ phía. Những họa tiết và chữ khắc trên bia dần bị phai mờ không còn thấy rõ. Đáng lo hơn, cột chống tứ phía cũng đang bị hư hại, mục dần theo thời gian.

Cụ Nguyễn Thị Mến (78 tuổi, xã Thủy Bắng) cho hay: “Lăng Thiệu Trị rất ít người đến tham quan. Thỉnh thoảng mới có ít đoàn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu phục vụ cho công việc học tập. Lăng năm nào cũng tu sửa nhưng chẳng thấy hoàn thành. Việc dùng cột gỗ chống tạm tại đây chỉ là tạm thời, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, sẽ gây nguy hiểm cho khách tham quan. Nếu không gấp rút thực hiện việc tôn tạo, trùng tu, theo thời gian thì lăng sẽ không còn tồn tại nữa”.

Để hạn chế sự xuống cấp cho di tích, vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Khoa học Xây dựng miền Trung tiến hành trùng tu, bảo tồn di tích Tả Tùng Viện, Hữu Tùng Viện và bảo tồn một số hạng mục khác tại lăng vua Thiệu Trị với kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay khu lăng mộ đang trong tình trạng “kêu cứu”, mọi thứ vẫn hỗn độn, cỏ dại mọc xanh rờn, khiến nơi đây trở nên âm u, hoang tàn.

Di tích lăng Thiệu Trị đang mong mỏi một giải pháp khoa học hữu hiệu để bảo vệ. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần có những động thái tích cực hơn để bảo tồn những giá trị văn hóa – lịch sử cho dân tộc.

Một số hình ảnh xuống cấp của lăng Thiệu Trị:

Lăng Thiệu Trị - một trong những công trình độc đáo có hệ thống kiến trúc cung đình, lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn

Theo thời gian, công trình này trở nên xuống cấp nghiêm trọng

Nhà bia “Thánh đức thần công” khắc đến 2.500 chữ của Vua Tự Đức nhằm ca ngợi công đức của Vua cha theo thời gian đã xuống cấp

Gạch lát đã bị bong tróc, hư hỏng nhiều nơi

Phần gạch ngói âm dương bị hư hại, phải thay bằng tôn tạm bợ

Để chống sự xuống cấp, nhiều hạng mục trong di tích phải nhờ đến sự “trợ giúp” của những thanh đà gỗ chống tứ phía

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn

Bong tróc tại các mảng tường

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của các ban ngành để bảo vệ

Bài & ảnh: Đức Linh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201710/hue-lang-vua-thieu-tri-xuong-cap-nghiem-trong-2855306/