HTX vươn tầm nhờ không bỏ lỡ 'chuyến tàu công nghệ'

Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp nhiều HTX chuẩn hóa quy trình sản xuất, mà còn mở ra nhiều cơ hội trong liên kết hợp tác cho HTX với doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa.

Đến thăm HTX nông nghiệp Tân Tiến (Vĩnh Long) sẽ thấy sự thích ứng với thời đại 4.0 của các thành viên khi không chỉ nhanh nhạy ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 30ha mà còn ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số vào việc quản lý, điều hành để mang lại hiệu quả tối ưu trong nông nghiệp.

Hành trình nông dân số

Theo đó, HTX đã sử dụng nền tảng “mạng nhà nông” để giải quyết nhiều khó khăn của quy trình sản xuất nông nghiệp thủ công trước đó. Nếu như trước đây, các thành viên gặp nhiều khó khăn vì sản xuất tự do, không có kế hoạch thì khi ứng dụng công nghệ, việc lập kế hoạch sản xuất cũng đơn giản hơn, cụ thể hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.

HTX có thể dự kiến được sản lượng/dịch vụ, dự kiến được tất cả chi phí đầu vào, dự kiến được giá bán và tỷ suất phần trăm lợi nhuận. Ngoài ra, HTX còn có thể ghi được nhật ký đồng ruộng cả trên ứng dụng, thống kê báo cáo được quá trình sản xuất một cách dễ dàng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tân Tiến, cho biết việc lập kế hoạch từng vụ mùa sản xuất bằng công nghệ số giúp HTX dễ dàng và thuận lợi hơn trong tiếp cận các tổ chức tín dụng và bảo hiểm.

Ngay như tỷ lệ chi phí theo từng mùa vụ của năm thực hiện bán sỉ cũng được HTX thống kê và có bảng kế hoạch chi tiêu, sản xuất cụ thể với mức phí chi tiết từ các hoạt động: trồng lúa thương phẩm, vận chuyển lúa đi xay xát, chi phí xay xát đóng gói, chi phí sấy lúa, lãi ngân hàng. Từ đó, HTX biết được từng hoạt động chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng chi phí đầu vào. HTX cũng có thể so sánh với các mùa vụ của những năm trước để quản lý dòng tiền, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Và với dòng tiền thu cũng vậy, HTX quản lý theo biểu đồ từng tháng. Các thành viên cũng lập được hồ sơ chấm điểm sản phẩm khi đưa gạo đi thi chương trình OCOP để tự kiểm tra năng lực sản phẩm và tạo thuận lợi cho hội đồng có thể chấm và phân hạng sản phẩm thuận tiện hơn.

Kế hoạch mùa vụ của HTX Tân Tiến được lập một cách cụ thể trên ứng dụng điện tử, tạo thuận lợi trong minh bạch tài chính, từ đó dễ dàng trong khâu vay vốn.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, nếu chỉ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì HTX vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ, quyết định giá cả. Nhưng sau khi ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, giám sát sản xuất kinh doanh, nhiều khó khăn trong liên kết đã được giải quyết, từ đó giúp HTX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo được niềm tin với doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ giúp HTX hóa giải những khó khăn về tài chính, đưa ra những dự báo cụ thể để có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Còn tại HTX Ba khía Ðầm Dơi (Cà Mau), ngoài đầu tư máy móc vào sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX còn sử dụng phần mềm lĩnh vực kế toán dành cho HTX (WACA) để minh bạch tài chính.

Trước đó, HTX gặp những khó khăn về kinh doanh không ổn định và đầu ra nhỏ giọt nên cần minh bạch thông tin về tài chính và quản lý quy trình sản xuất để hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho thành viên.

Từ khi ứng dụng phần mềm kế toán, HTX giải quyết được các khó khăn trong công tác kế toán theo quy định của pháp luật, quản lý tín dụng nội bộ, cảnh báo và phân tích dữ liệu. Đây là một trong những giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý HTX, từ đó giúp HTX nâng cao được niềm tin với thành viên, ổn định được thu chi.

Những "cánh đồng không dấu chân"

Có thể thấy, nhiều HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý. Nhà nước và các địa phương cũng không ngừng hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

Như tại Hải Dương, thấy được vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở KH&CN, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai hỗ trợ nông dân, HTX ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các HTX nông nghiệp là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ.

Giai đoạn 2013-2022, đã có 12 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm... Ngoài ra, Sở KH&CN thường xuyên triển khai các đề tài, dự án thông qua các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó kịp thời phổ biến tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật cho nông dân và các thành viên của HTX. Đến nay, 21 nhãn hiệu tập thể của các HTX nông nghiệp như: nhãn Chí Linh, rau Gia Lộc; gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; hành, tỏi Kinh Môn… đã được xây dựng thành công trên thị trường.

Nhiều thành viên HTX đã trở thành nông dân sản xuất hiện đại nhờ chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo thống kê của Bộ NNN&PTNT, cả nước đã có gần 1.800 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2020, 5.876 HTX được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Hàng năm, các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.

Việc ngày càng nhiều HTX ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ đắc lực người nông dân trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chính vì vậy mà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD. Điều này giúp xuất siêu của Việt Nam năm 2023 lại lập kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022. Trong đó, nhóm ngành nông sản có mức đóng góp ấn tượng, đặc biệt từ mặt hàng rau quả và gạo…

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mà ở nhiều địa phương đã hình thành được những cánh đồng lớn không dấu chân người, những cánh đồng đạt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Người dân, thành viên HTX cũng không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn nhờ cơ giới hóa đồng bộ trong quy trình sản xuất.

Ông Đinh Văn Pha, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Thịnh (Thái Bình), cho biết việc HTX sử dụng cơ giới hóa, nhất là ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao sức khỏe cho người dân và tăng chất lượng nông sản. Hiện, nếu thuê người phun thuốc, thành viên phải mất 30.000 đồng/sào mà cũng rất khó thuê, trong khi phun thuốc bằng máy bay không người lái chỉ là 15.000 đồng/sào.

Trong xu thế bùng nổ công nghệ hiện nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ giúp các HTX thuận tiện trong xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên.

Theo ông Nguyễn Ái Hữu, nhà sáng lập Worldsoft - Mạng nhà nông, một thực tế là nhiều HTX, hộ nông dân sản xuất hiện nay không có kế hoạch sản xuất và không biết lập kế hoạch sản xuất, không biết đầu tư vào công nghệ gì, như thế nào nên dù trồng cây này, nuôi con kia nhưng chính họ cũng không biết rõ cây, con đó đó có mang lại lợi nhuận hay không. Điều này cho thấy muốn ứng dụng được khoa học công nghệ thì quản trị HTX quan trọng. Vậy nhưng, chính các HTX đang thiếu và yếu trong vấn đề này.

Về vấn đề nguồn lực, hầu hết các HTX khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, đề án và các định chế bảo hiểm. Đi liền với đó, vấn đề tiêu thụ còn bị động trong mua và bán hàng. Do đó, việc đầu tư cho máy móc, khoa học công nghệ còn gặp những hạn chế nhất định, chưa tạo được đồng bộ.

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX diễn ra chậm, tỷ lệ ứng dụng tin học, chuyển đổi số còn nhỏ. Nhiều nông dân, HTX còn thụ động và yếu thế trong ứng dụng khoa học công nghệ nên khó tạo ra các quan hệ liên kết sản xuất, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn và ổn định.

Để các HTX thuận lợi trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng như nhân rộng các HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số hiệu quả, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết cơ quan quản lý cần thay đổi phương thức hỗ trợ HTX, trong đó chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực nhằm tạo thuận lợi cho nông dân, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, GAP, công nghệ số.

Đi liền với đó là hỗ trợ hạ tầng sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, kho bãi tập kết nguyên liệu để tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả tối ưu cho HTX trong đầu tư khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/htx-vuon-tam-nho-khong-bo-lo-chuyen-tau-cong-nghe-1098308.html