HTX tạo điểm tựa khởi nghiệp cho người dân tộc thiểu số

Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, khu vực dân tộc thiểu số có 40-60% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, hồng không hạt, miến dong, chè…) có thương hiệu mạnh và giá trị kinh tế cao. Để đạt được những mục tiêu trên, vai trò của các HTX là vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035”, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ đã hình thành trên địa bàn tỉnh, với dấu ấn tích cực từ các HTX nông, lâm nghiệp.

Điểm tựa từ các HTX

HTX Phúc Ba (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể) là một trong những điểm sáng với mô hình trồng dưa lưới chất lượng cao. Với giá trị bình quân 70-120 triệu đồng/ha/năm, mô hình đang trở thành điểm tựa giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Ông Lý Phúc Ba người dân tộc Dao, Giám đốc HTX, đánh giá dưa lưới là loại cây ngắn ngày, phát triển rất nhanh nên đòi hỏi người trồng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời bổ sung chất dinh dưỡng đúng thời điểm.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, HTX đã thay thế phân bón hóa học bằng nguồn phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cây trồng. Sản phẩm đã được Liên hiệp HTX Nông dược và Du lịch cộng đồng Bắc Kạn hỗ trợ kết nối, tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

HTX đang xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, tạo điểm tựa cho thành viên người dân tộc thiểu số (Ảnh: TL).

HTX đang xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, tạo điểm tựa cho thành viên người dân tộc thiểu số (Ảnh: TL).

Tương tự, trên địa bàn xã Phúc Nguyên, huyện Bạch Thông đang có sự hiện diện của HTX Hương Ngàn với ngành nghề chính là phát triển vùng nguyên liệu, tiếp cận và sản xuất các sản phẩm là tinh dầu quýt, tinh dầu sả, tinh dầu quế…

Giám đốc HTX Vy Thùy Dương, là người dân tộc Nùng, chia sẻ khi quyết định bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, chị nghĩ ngay tới mô hình HTX, bởi đây là mô hình phù hợp, gần gũi, dễ dàng tiếp cận với người dân tại địa phương nhất.

Với khát vọng làm giàu, đưa HTX bứt phá vươn lên, chị Dương đã dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ làm tinh dầu, đồng thời tận dụng tối đa nguồn vốn vay của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Bạch Thông và chủ động tham gia chương trình "OCOP – Mỗi xã phường 1 sản phẩm".

“Khi tham gia chương trình này được sự hướng dẫn bài bản của các chuyên gia, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tôi bắt đầu có định hướng cho sản phẩm của mình, từ đấy, sản phẩm được hoàn thiện và kết nối để bán ra ngoài”, đại diện HTX Hương Ngàn cho hay.

Nhờ sản xuất khoa học, sản phẩm quýt bản địa của HTX hiện đạt OCOP 3 sao. Thương hiệu được khẳng định cũng giúp HTX nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nâng cao đời sống cho người dân

Nhắc đến phong trào phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng không thể nào bỏ qua cái tên HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn (xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới), đang là tập hợp của 11 thành viên nữ người dân tộc Dao.

Nhận thấy sản phẩm gạo nếp nương của đồng bào Dao ở Tân Sơn được ưa chuộng, lại có thể tạo được sự khác biệt với hàng trăm sản phẩm khác đang có trên thị trường, HTX đã quyết định tập trung xây dựng sản phẩm này thành mặt hàng chủ lực.

Từ đó, HTX mở rộng liên kết với hơn 30 hộ dân, trồng trên diện tích hơn 20ha và xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp nương với tiêu chuẩn OCOP 3 sao, cung ứng cho 2 siêu thị ở Hà Nội.

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để các HTX phát huy vai trò trong thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm (Ảnh: TL).

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để các HTX phát huy vai trò trong thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm (Ảnh: TL).

Với sự hỗ trợ của tỉnh Bắc Kạn, HTX Tân Sơn tiếp tục phát triển sản phẩm cà gai leo dạng nguyên liệu trên quy mô 5ha. HTX đầu tư hệ thống nhà lưới, quạt sấy để phơi giữ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện, sản phẩm cà gai leo đã được một doanh nghiệp ở Thái Bình bao tiêu toàn bộ.

Bình quân mỗi năm, HXT Tân Sơn có doanh thu từ 1-2 tỷ đồng, số lượng thành viên đã tăng lên 15 người và thực hiện liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân của 4 bản trong xã. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của nhiều người dân ở Tân Sơn được nâng lên, trung bình thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, các HTX đang thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn có 263 HTX và 1 liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ khoảng 260 tỷ đồng (trong đó 183 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản, 80 HTX phi nông nghiệp).

Tổng số thành viên các HTX là 2.295 thành viên, tổng số cán bộ quản lý HTX là 792 người. Trong đó, số cán bộ quản lý trình độ cao đẳng, đại học hoặc đã qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 141 người (chiếm 18%), số HTX do phụ nữ làm chủ chiếm 30%.

Nhận thức rõ vai trò của các HTX, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn dự kiến tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, với trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đất đai, vốn sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/htx-tao-diem-tua-khoi-nghiep-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-1091263.html