HTX 'sống khỏe' từ sản xuất tiêu hữu cơ

Tiêu hữu cơ được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người nông dân sống tại vùng biên giới Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước. Nhiều hộ dân vẫn 'sống khỏe' nhờ trồng tiêu theo hướng hữu cơ, bất chấp thời tiết thất thường, sâu bệnh phá hoại, giá cả bấp bênh...

Một số HTX đã chú trọng ứng dụng sản xuất hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói, giảm nghèo, đồng thời khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và thành viên, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất bền vững.

Làm giàu ở huyện vùng biên

Tại huyện biên giới Lộc Ninh, một trong những thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, để giúp các thành viên và đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sản xuất hồ tiêu sạch bền vững, theo hướng hữu cơ, HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang, xã Lộc Quang đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ.

Các HTX chú trọng ứng dụng sản xuất hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói, giảm nghèo.

HTX thành lập tháng 5/2020 có 9 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 21ha. Mặc dù còn non trẻ, nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tâm, nhiệt thành của HĐQT HTX từ bí quyết canh tác tiêu hữu cơ đến việc thu mua bao tiêu sản phẩm với giá cao, ngày càng có nhiều bà con viết đơn xin gia nhập HTX. Đến nay, HTX đã có 16 thành viên với tổng diện tích gần 50ha và không ngừng lớn mạnh.

Chị Vũ Thị Bưởi, một trong những hộ đầu tiên tham gia HTX cho biết, trước đây, hầu hết người dân tại địa phương đều canh tác tự phát, sử dụng phân, thuốc hóa học là chủ yếu, cuộc sống bấp bênh do không có đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX, được hướng dẫn sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa đảm bảo sức khỏe người trồng và cả người tiêu dùng nên chị quyết tâm làm theo.

“Đặc biệt, sản phẩm làm ra sẽ được HTX phân loại và thu mua với giá cao hơn thị trường. Nếu như năm ngoái, giá tiêu chỉ quanh mốc 80.000 đồng/kg, thì HTX sẵn sàng thu mua trên 100.000 đồng/kg để chế biến, từ đó gia đình tôi cũng như một số hộ thành viên ở vùng biên này đã ổn định cuộc sống, không còn bị liệt vào hộ nghèo của xã”, chị Bưởi chia sẻ.

Hay như chị Nguyễn Thị Loan, từ khi tham gia mô hình chăm sóc hữu cơ, chị thấy cây trồng cũng như con người rất khỏe mạnh. Các vật tư đầu vào để làm ra sản phẩm tiêu sạch bổ ích sức khỏe luôn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, theo quy trình hữu cơ sinh học, hoàn toàn không dùng thuốc hóa học.

Trước đây, chị Loan thường sử dụng phân bón và các loại thuốc trừ sâu hóa học, nhưng bây giờ bỏ hết, kể cả các chất kích thích tăng trưởng cũng không sử dụng. Cỏ trong vườn chỉ dùng máy phát và để hoai mục tại chỗ làm phân, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo độ ẩm và phì nhiêu cho đất.

“Khi làm được tiêu hữu cơ rồi, phải làm sao để nâng cao giá trị hạt tiêu và đưa tới tận tay người tiêu dùng. Những ngày đầu tham gia HTX gặp muôn vàn khó khăn khi đối mặt với giá tiêu trên thị trường giảm cùng với dịch bệnh khiến chúng tôi hoang mang, chán nản. Tuy nhiên, với những lợi ích mà nền nông nghiệp hữu cơ mang lại đã tạo nên cuộc sống ấm no cho gia đình tôi và mọi người nên quy trình ngày càng ổn định hơn và mọi người càng tích cực tham gia sản xuất”, chị Loan nói.

Nâng cao giá trị hạt tiêu Lộc Ninh

Theo anh Phạm Thanh Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, hiện HTX đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa và hạt tiêu đen, bột tiêu đen). Các sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX Lộc Quang còn có công dụng cải thiện hệ tiêu hóa và vấn đề dạ dày; hỗ trợ giảm cân, tiêu biến mỡ thừa, ngăn ngừa các tế bào ung thư, chống viêm khớp.

Hồ tiêu được gọi là cây xóa nghèo cho người dân vùng biên giới Lộc Ninh.

Ngoài ra, để phát huy hết tiềm năng sẵn có, bên cạnh bán hàng trực tiếp, cung ứng vào các hệ thống siêu thị hiện có, HTX còn vận dụng công nghệ internet, công nghệ số để đưa sản phẩm đến với các kênh thương mại điển tử như Lazada, Shopee, Tiki… và đang xúc tiến đăng lên sàn thương mại quốc tế để tiếp cận nhanh hơn đến đối tác, người tiêu dùng nhằm quảng bá thương hiệu, kêu gọi liên kết đầu tư.

Theo anh Chung, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm làm ra tới đâu được đối tác thu mua hết đến đó để xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu. Chỉ tính riêng vụ vừa qua, gia đình anh thu hoạch được trên 10 tấn tiêu, thu về hơn 1 tỷ đồng.

“Không chỉ bán giá cao, điều tôi tâm đắc nhất là sức khỏe người trồng được đảm bảo, môi trường được hưởng lợi”, anh Chung phấn khởi nói.

Ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay, Lộc Ninh vẫn là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 4.740ha, đây là nguồn nguyên liệu lớn cùng khả năng chế biến tại chỗ sẽ là hướng đi đầy hứa hẹn giúp các HTX mang lại cho người trồng tiêu sự phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

“Nhiều nông dân tại Lộc Ninh đang thực hành các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, góp phần khẳng định và phát huy thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Việc thành lập các HTX là nỗ lực lớn của huyện Lộc Ninh, góp phần nâng cao giá trị hạt tiêu, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của huyện”, ông Sơn nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc hình thành và phát triển các vùng trồng hồ tiêu tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo hướng hữu cơ tuần hoàn đã nâng cao thu nhập cho nông dân, thành viên HTX. Cây hồ tiêu là một trong những cây trồng mà nhiều hộ dân vùng biên chọn để xóa đói giảm nghèo và khởi đầu cho phát triển kinh tế mới.

Hoàng Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/htx-song-khoe-tu-san-xuat-tieu-huu-co-1090782.html