HTX nông nghiệp Tuy Lai dùng lúa gây sức ép với người dân để truy nợ?

Dù lúa đã chín vàng, đến kỳ thu hoạch, nhưng Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuy Lai lại cắm biển cấm máy gặt về gặt lúa cho người dân. Đây được cho là hành động dùng lúa tạo sức ép để thu nợ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Thửa ruộng nào bị cắm tấm biển kia, sẽ không thuê được máy gặt về thu hoạch lúa

Cắm biển cấm máy gặt lúa

Trên cánh đồng lúa chín vàng ở xã Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội), có rất nhiều ruộng lúa cắm biển “Hộ nợ, HTX NN không phục vụ dịch vụ máy gặt”, và cứ ruộng nào có cắm tấm biển này, thì sẽ không có máy gặt nào dám vào gặt lúa cho người dân.

Những người chủ ruộng chạy ngược chạy xuôi tìm thuê máy gặt, nhưng chẳng thể nào thuê được, vì các chủ máy đều ái ngại với những tấm biển kia.

Những thửa ruộng có cắm tấm biển này, sẽ không có máy gặt nào dám gặt lúa cho người dân

Bà Nguyễn Thị L, một chủ ruộng bị cắm biển “cấm máy gặt”, bức xúc chia sẻ: “Lúa chín đến ngày gặt thì họ gửi giấy thông báo số tiền nợ dịch vụ nông nghiệp của gia đình tôi. Không hiểu họ tính kiểu gì mà gia đình tôi nợ đến 13 triệu đồng. Giờ con cái đi làm ăn xa, nhà không có người, thuê gặt thì máy không làm. Tôi phải ra tự gặt, vì bỏ lúa chín quá cữ sẽ rụng hết. Tôi cố làm được đến đâu thì làm”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân ở xã Tuy Lai, cho hay: “Không phải máy gặt họ không muốn làm cho dân, mà mấy ông ở HTX nông nghiệp cắm biển cấm gặt, thì họ không dám làm, vì cố tình làm sẽ thành mâu thuẫn với HTX, vụ sau khó mà có cửa đến gặt lúa. Chỉ khổ cho người dân là lúa đến lúc thu hoạch thì lại bị cấm thuê máy gặt, chẳng khác nào họ lấy lúa để gây sức ép với người dân. Người ta làm cả vụ được mấy tạ thóc giờ làm như vậy thì ai mà không bức xúc?”.

Do bị cắm biển "cấm gặt", nên bà L phải tự đi gặt lúa bằng tay, nếu không lúa chín quá sẽ rụng hết

Bà Bùi Thị H, ở xã Tuy Lai, cho biết: Mỗi sào lúa, tính ra chỉ đạt năng suất khoảng 160 kg, với mức giá bây giờ khoảng hơn 7 nghìn đến 8 nghìn đồng/kg, thì mỗi vụ cũng chỉ thu được khoảng 1,2 triệu/sào. Đấy là chưa trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa cấy hái. Tính ra thì người dân cũng chẳng còn bao nhiêu, thế mà bây giờ đến ngày thu hoạch họ (HTX nông nghiệp Tuy Lai) lại làm như vậy thì quá bất công với người dân”.

Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai “thu phế” máy gặt?

Theo thông tin người dân cung cấp cho phóng viên Báo PNVN, thì mỗi sào lúa, chủ máy gặt phải “nộp phế” cho HTX nông nghiệp Tuy Lai 10 nghìn đồng, như vậy, với hơn 530 ha lúa, thì tính ra số tiền “phế” phải nộp là hơn 5,3 triệu đồng/vụ. Số tiền này nộp thẳng cho HTX mà không hề có phiếu thu, nếu không nộp thì không thể đưa máy đến gặt lúa trên địa bàn xã.

Lý giải về việc này, lãnh đạo HTX nông nghiệp Tuy Lai cho rằng, đây là do các chủ máy gặt họ tự bảo nhau, tự nộp, chúng tôi không ép buộc, cũng không có chủ trương nào. Dù giải thích là không có chủ trương, không ép buộc, nhưng các chủ máy gặt nộp "tiền phế", thì HTX vẫn thu không thiếu đồng nào.

Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuy Lai

Câu hỏi người dân đặt ra là, số tiền “thu phế” đó sẽ được HTX hạch toán như thế nào, khi không có phiếu thu, bởi HTX có thu của chủ máy gặt, thì cũng là tiền của người dân. Nếu HTX không thu khoản đó, thì chủ máy gặt cũng sẽ giảm cho người dân 10 nghìn đồng/sào. Vì phải nộp cho HTX nên họ mới thu thêm 10 nghìn đồng/sào.

Cấm gặt lúa cho dân là có dấu hiệu trái pháp luật và trái đạo lý

Việc cắm biển cấm gặt lúa cho dân đã gây ra sự bức xúc rất lớn cho dư luận địa phương, nhiều người dân cho rằng, đây là việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi HTX cản trở việc thu hoạch mùa vụ của người dân.

Bà Đinh Thị L, ở xã Tuy Lai, cho biết: “Họ gửi giấy thông báo nợ cho nhà tôi, với số nợ lên tới cả chục triệu đồng, nhưng không rõ ràng, tôi nói nợ như thế nào thì cứ ghi rõ ra từng khoản. Vì hàng năm chúng tôi thuê cày, cấy, gặt hái, phun thuốc trừ sâu, dẫn nước vào ruộng đều trả tiền trực tiếp cho đơn vị thuê khoán ngay tại ruộng, không qua HTX. Trong khi đó, số tiền 45.500 đồng/sào (tương ứng với 7 kg thóc) nộp cho HTX lại không có hợp đồng cung cấp dịch vụ, khi nộp tiền cũng không có phiếu thu.

Bà H bức xúc về việc làm của HTX nông nghiệp Tuy Lai

Ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân ở xã Tuy Lai, cho biết: “Việc thu nộp tiền dịch vụ như thế nào cần có cách giải quyết phù hợp. Anh áp đặt cấm máy gặt đến gặt lúa cho người dân là trái đạo lý, không ai chấp nhận việc làm đó, nó đánh thẳng vào kinh tế, vào nguồn sống của các hộ gia đình người dân như thế là không chấp nhận được”.

Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng cấm máy gặt như trên, tránh gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/htx-nong-nghiep-tuy-lai-dung-lua-gay-suc-ep-voi-nguoi-dan-de-truy-no-20230924104005638.htm