HoREA: Chỉ một số ít doanh nghiệp bất động sản được thụ hưởng chính sách hỗ trợ

Chủ tịch HoREA cho biết, một số ít đối tượng thuộc lĩnh vực bất động sản được thụ hưởng các chính sách tài khóa, tiền tệ trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 2 năm 2022 - 2023, Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết, đồng ý một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Sang năm 2023, Quốc hội đã có Nghị quyết 101 và Nghị quyết 110 giảm 2% thuế VAT.

Tương tự, Chính phủ cũng thông qua một số Nghị quyết khác để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19.

Chỉ một số ít doanh nghiệp bất động sản được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. (Ảnh: DM)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản nói riêng.

“Những giải pháp này chính là để ứng phó với những “cơn gió ngược” từ các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu. Các giải pháp này trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đảm bảo được ổn định an sinh xã hội”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, từ quý 1/2023, thị trường bất động sản cả nước và TP HCM đã dần đi qua “vùng đáy” khó khăn và đang trong quá trình phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Tuy nhiên Chủ tịch HoREA cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ áp dụng đối với một số ít đối tượng thuộc lĩnh vực bất động sản được thụ hưởng.

Các giải pháp này chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản, mặc dù các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản rất khó khăn do “vướng mắc pháp lý”, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có khoảng 1.200 dự án bị “vướng mắc pháp lý” trong phạm vi cả nước và sau đại dịch COVID-19 cùng với các “cơn gió ngược” hiện nay càng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

“Riêng, TP HCM có hơn 148 dự án bị “vướng mắc pháp lý” và đến nay với nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và thành phố thì đã giải quyết được khoảng 30% các dự án bị vướng mắc”, ông Châu nói.

Phân tích tác động của các giải pháp hỗ trợ tới thị trường bất động sản, ông Châu nói: Đối với chính sách miễn, giảm thuế, đặc biệt là các chính sách giảm thuế 2% VAT, do không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản chưa được hưởng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 2 năm 2022-2023.

Trong khi đó, với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, nhưng kết quả thực hiện đến nay quá thấp, chỉ giải ngân được khoảng 875 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2,3% do có các hạn chế, bất cập.

Thứ nhất, các doanh nghiệp bị tác động của đại dịch COVID-19 đã bị suy kiệt, khó có thể chứng minh được “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”.

Thứ hai, doanh nghiệp “sợ” bị hậu kiểm sau khi đã nhận khoản hỗ trợ “giảm 2% lãi suất” sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách “giảm 2% lãi suất” áp dụng đối với việc cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua với kết quả giải ngân đã cho thấy chính sách này không thực hiện được đối với việc cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

“Bởi lẽ hầu như tất cả các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua đều bị ách tắc do bị vướng mắc pháp lý”, ông Châu nói

Cuối cùng, chính sách “giảm 2% lãi suất” không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên đối tượng được hưởng chính sách này bị thu hẹp.

Tiếp đến là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ông Châu đánh giá đây là chính sách rất nhân văn và rất thiết thực đã hỗ trợ trực tiếp cho người lao động gặp khó khăn, thiếu nguồn thu nhập, nhưng việc triển khai thực hiện hơi chậm và hầu như không áp dụng cho người lao động thuê nhà trọ mà không làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

“Đối tượng các chủ nhà trọ đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân trong cả nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, chỉ riêng tại TP HCM đã có hơn 60.000 chủ nhà trọ với hơn 600.000 phòng trọ cho thuê”, ông Châu nhấn mạnh.

Đối với chính sách cho vay hỗ trợ cho cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội nhìn chung chưa thực hiện được đáng kể vì thiếu nguồn nhà ở xã hội.

“Riêng TP HCM, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết trong 2 năm 2022 và 2023 thì chỉ giải ngân được 35,7 tỷ đồng để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu tính suất vay bình quân 600 triệu đồng thì chỉ tương đương 63 căn nhà ở xã hội mà thôi”, ông Châu phân tích.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/horea-chi-mot-so-it-doanh-nghiep-bat-dong-san-duoc-thu-huong-chinh-sach-ho-tro-post279959.html