Hợp tác thương mại, đầu tư Việt - Đức: Triển vọng rộng mở từ EVFTA

Với vai trò là 'đầu tàu' của Đức trong nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), là nước xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới, trao đổi thương mại, đầu tư giữa Đức và Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển theo hướng bền vững hơn khi thực thi EVFTA.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trao đổi thương mại tăng nhanh

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, tổ chức Diễn đàn “Kinh tế và thương mại Việt – Đức 2020”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, năm 2020, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2020). Nhìn lại chặng đường 45 năm qua cho thấy, trong tổng thể quan hệ Việt – Đức, hợp tác kinh tế - thương mại luôn là lĩnh vực trọng điểm và ưu tiên. Việt Nam và Đức đều là những nền kinh tế mở, có tính bổ sung và tiềm năng hợp tác to lớn, chia sẻ quan điểm ủng hộ tự do hóa thương mại mở và dựa trên các cam kết quốc tế. Trong nhiều năm, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai nước những năm gần đây tăng trưởng bình quân trên 10%/năm và hiện đã đạt trên 10 tỷ USD, tăng 2 lần so với năm 2010.

Chia sẻ thêm, bà Vũ Thanh Hương – Trường Đại học Kinh tế cho biết, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Đức đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phát triển này nhìn chung còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên. Đặc biệt, trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đang có dấu hiệu chậm lại, khi tăng trưởng xuất khẩu sang Đức thấp hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu ra thế giới và EU, thêm vào đó, xuất khẩu sang Đức của Việt Nam cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ khác…

Tận dụng EVFTA để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được đánh giá sẽ tạo cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới.

Cụ thể, theo bà Vũ Thanh Hương, với vai trò “đầu tàu” của Đức trong EU, khi EVFTA đi vào thực thi, Đức được xem là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và là nguồn thay thế nhập khẩu chất lượng cao cho các thị trường hiện tại của Việt Nam.

Trên thực tế là hai quốc gia có mức độ bổ sung thương mại lớn, thương mại giữa Đức và Việt Nam được dự báo sẽ phát triển nhanh và năng động hơn. Đơn cử, thực thi EVFTA, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Đức các sản phẩm trong ngành giầy dép, mũ, dệt may, sản phẩm thực vật, động vật, thủy sản, máy móc thiết bị cơ khí, điện và điện tử… Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực mà Việt Nam có lợi thế so sánh và đều đạt thặng dư trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Đức các loại sản phẩm như thực phẩm chế biến, đồ uống, các sản phẩm từ động vật như sữa, thịt bò, thịt gà… Đây cũng là những ngành hàng Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại với Đức. Do đó, thực thi EVFTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai bên, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang Đức.

Đối với lĩnh vực đầu tư, ông Lê Viết Thái – Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đức cho biết, các cam kết trong EVFTA sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng ngày càng thông thoáng, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp EU và Đức mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, chia sẻ thêm, ông Tô Anh Dũng cho biết, các nền kinh tế hiện đang đứng trước nhu cầu phục hồi tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Các khuôn khổ hợp tác “chất lượng cao” như EVFTA là cơ hội để Việt Nam cùng với Đức và các đối tác EU thúc đẩy, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại, góp phần tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng trong thời gian tới.

Về đầu tư, Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với khoảng 300 doanh nghiệp và hơn 360 dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh... có tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Diệu Thiện

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-13/hop-tac-thuong-mai-dau-tu-viet-duc-trien-vong-rong-mo-tu-evfta-95167.aspx