Hợp tác Nga-Iran vướng đòn trừng phạt, Qatar cũng 'bó tay' trước 'cơn khát' khí đốt của châu Âu

Trước sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu tìm tới các nước sản xuất lớn khác như Qatar. Nhưng dòng nhiên liệu này cũng không phải là 'liều thuốc' chữa bách bệnh.

Tháng 7/2022, Gazprom của Nga và Công ty Dầu khí quốc gia Iran ký MoU trị giá 40 tỷ USD để phát triển một số dự án dầu khí. Trong ảnh: Khách tham quan đi ngang qua gian hàng của Công ty Khí đốt quốc gia Iran tại Triển lãm Dầu khí quốc tế lần thứ 26 ở Tehran, tháng 5/2022 (Nguồn: Getty)

Tháng 7/2022, Gazprom của Nga và Công ty Dầu khí quốc gia Iran ký MoU trị giá 40 tỷ USD để phát triển một số dự án dầu khí. Trong ảnh: Khách tham quan đi ngang qua gian hàng của Công ty Khí đốt quốc gia Iran tại Triển lãm Dầu khí quốc tế lần thứ 26 ở Tehran, tháng 5/2022 (Nguồn: Getty)

Dự án khí đốt Nga-Iran gặp khó

Tuần qua, trang tin SHANA của Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, một quan chức hàng đầu của Công ty Khí đốt quốc gia Iran (NIGC) khẳng định, các lệnh trừng phạt đối với Tehran không và sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng khí đốt trong nước.

Tuy nhiên, Công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, Na Uy tin rằng, các lệnh trừng phạt hiện có đối với Iran sẽ làm tổn hại đến khả năng sản xuất khí đốt từ các mỏ ngoài khơi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Cụ thể, đầu tuần trước, ông Ahmad Zamani, Giám đốc sản xuất của NIGC phát biểu trong một cuộc họp tại Công ty Lọc khí Fajr Jam về vấn đề phát triển thị trường: “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn các lệnh trừng phạt tác động đến ngành sản xuất khí đốt ở Iran. Và tôi tự tin nói rằng, kể cả khi lệnh trừng phạt tiếp tục được duy trì trong nhiều năm, hoạt động sản xuất khí đốt của Tehran sẽ không bị ảnh hưởng”.

Trước tuyên bố trên, Rystad Energy tỏ ý không đồng tình, khẳng định: “Iran và Nga đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong nỗ lực cùng hợp tác phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi của Iran. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hai nước này có khả năng gây ra vấn đề trong việc nhập khẩu các thiết bị quan trọng cho khai thác khí đốt”.

Theo đó, dự án hợp tác giữa Iran và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nhằm khai thác, xuất khẩu khí đốt trị giá 40 tỷ USD có nguy cơ bị ảnh hưởng.

James Ley, Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, viết trong một báo cáo ngày 15/8: “Tính chất ăn mòn của dầu và khí đốt tại Iran đòi hỏi phải có đường ống chất lượng cao để lưu trữ, khai thác và vận hành. Đây là thứ mà cả Nga và Iran đều không có khả năng tự sản xuất trong ngắn hạn”.

Nhà phân tích trên nói thêm: “Chuỗi cung ứng cho những mặt hàng này chủ yếu tập trung vào các quốc gia đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cả Moscow và Tehran.

Các giải pháp thay thế, chẳng hạn như đường ống do Trung Quốc cung cấp, đã bị rò rỉ và gặp một số vấn đề phát sinh khác. Do đó, dự án trị giá 40 tỷ USD đang phải đối mặt với những thất bại ngay từ đầu”.

Trước đó, vào cuối tháng 7, Gazprom và Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá khoảng 40 tỷ USD, để phát triển một số dự án dầu khí ở Iran.

Theo thỏa thuận, Gazprom giúp NIOC phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars, cung cấp các giải pháp công nghệ cho mỏ khí đốt South Pars khổng lồ và giúp phát triển 6 mỏ dầu. Gazprom cũng tham gia các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống dẫn khí xuất khẩu cho Iran.

South Pars - được Iran khai thác chung với nước láng giềng Qatar, được gọi là North Field - là mỏ khí ngoài khơi lớn nhất thế giới và chứa khí chua cao, do đó, có tính ăn mòn tự nhiên cao. Vì vậy, để khai thác nhiên liệu tại mỏ này, dự án cần đường ống cao cấp có tên CRA và Super 13Cr OCTG.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Rystad, yêu cầu này rõ ràng khó có thể được thực hiện khi cả hai nước Nga và Iran đều đang chịu các lệnh cấm vận từ phương Tây, không thể nhập khẩu thiết bị cần thiết.

Iran hiện là nước có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản nước này tiếp cận công nghệ và làm chậm lại sự phát triển của lĩnh vực xuất khẩu khí.

Theo một báo cáo chính thức, trong 4 tháng (từ 21/3-21/7/2022), doanh thu xuất khẩu khí đốt của quốc gia Hồi giáo đã đạt gần 4 tỷ USD, gần bằng con số trong cả năm trước đó.

Iran chủ yếu xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq nhưng việc vận chuyển không phải lúc nào cũng thuận lợi do các vấn đề thanh toán nợ với Iraq. Nhu cầu tiêu dùng nội địa và các vấn đề kỹ thuật nhiều khi buộc nước ày phải tạm dừng xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong mùa Đông.

Qatar không thể giúp ngay lập tức

Qatar có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, việc tăng cường hơn nữa sản xuất khí LNG của quốc gia này “vẫn còn cần một vài năm nữa”, theo quỹ Capital Economics có trụ sở tại London, Anh.

Qatar là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này cung cấp 24% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu. (Nguồn: QatarGas)

Qatar là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này cung cấp 24% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu. (Nguồn: QatarGas)

Ngày 9/8, nhà tư vấn kinh tế chuyên về Trung Đông và Bắc Phi James Swanston cho biết: “Với việc Nga thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, các chính phủ đang chuyển sự chú ý sang các nhà xuất khẩu khí đốt lớn khác như Qatar để cố gắng bù đắp nguồn cung thiếu hụt.

Nhưng ngành công nghiệp khí đốt của Qatar đã hoạt động gần hết công suất và trong khi tới năm 2025, dự án North Field (được kỳ vọng tăng công suất LNG của Doha này lên hơn 60%) mới bắt đầu hoạt động. Đây sẽ không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu”.

Qatar là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu. Năm 2021, nước này công bố dự án LNG lớn nhất thế giới là North Field East để nâng công suất sản xuất LNG từ 77 triệu tấn lên 110 triệu tấn/năm.

Dự án dự kiến bắt đầu sản xuất vào quý IV/2025, có chi phí khoảng 28,75 tỷ USD. Doha còn có kế hoạch mở rộng một giai đoạn khác tại North Field, mỏ LNG nhất thế giới mà nước này chia sẻ với Iran.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa chính trị và năng lượng ngày càng trầm trọng, châu Âu đang cố gắng tăng cường nhập khẩu LNG nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt của Nga.

Năm 2021, Qatar cung cấp 24% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu, sau Mỹ (26%) và trước Nga (20%).

(theo Capital.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-nga-iran-vuong-don-trung-phat-qatar-cung-bo-tay-truoc-con-khat-khi-dot-cua-chau-au-194978.html