Hợp tác mang lại nụ cười viên mãn, giọng nói bình thường cho trẻ dị tật khe hở môi - vòm miệng

Ngày 5/7, tại Bệnh viện Nhi TW, Tổ chức phi chính phủ Smile Train cùng Bệnh viện Nhi TW tổ chức thăm khám và đưa ra phương án điều trị miễn phí cho 50 trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Chương trình kéo dài xuyên suốt quanh năm và không giới hạn về độ tuổi trẻ bị dị tật.

Võ Đại Phong – 9 tuổi từ Nam Định đến Bệnh viện Nhi TW sáng ngày 5/7 cùng mẹ để được các chuyên gia về răng hàm mặt và chuyên gia về ngôn ngữ trị liệu của Bệnh viện Nhi TW thăm khám lại trong chương trình thăm khám, điều trị miễn phí bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng cho trẻ do Bệnh viện Nhi TW và Tổ chức phi chính phủ Smile Train tổ chức.

BSCK II Đỗ Văn Cẩn thăm khám cho 1 trẻ tại chương trình

Chia sẻ với bác sĩ, mẹ của Phong kể, cách đây vài năm Phong đã trải qua một cuộc phẫu thuật dị tật khe hở môi vòm miệng. Tuy nhiên hiện nay chỗ phẫu thuật vẫn có một lỗ thủng lỏ nên Phong vẫn nói ngọng, thức ăn thường xuyên vẫn trào lên mũi…

Qua thăm khám lại cho Phong, BSCK II Đỗ Văn Cẩn – Trưởng Khoa Răng – Hàm- Mặt cùng các chuyên gia về tai mũi họng, ngôn ngữ trị liệu của Bệnh viện Nhi TW đã nhận thấy sẹo cũ làm hàm hẹp nên không thể ghép xương theo đúng quy trình chuẩn… Do đó cần xử lý đóng lỗ thủng trước để đảm bảo phát âm và chữa ngọng cho trẻ, sau đó mới tiến hành ghép xương…

Phong là một trong 50 trẻ bị dị tật khe hở môi – vòm miệng đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi TW trong ngày hôm nay. Hoạt động này nhằm hưởng ứng Tháng hành động nâng cao nhận thức của cộng đồng dành cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng cũng như kiến thức cho các gia đình có con mắc dị tật này. Cùng đó, qua chương trình nhằm cung cấp miễn phí các dịch vụ thăm khám, qua đó các bác sĩ đánh giá, để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trẻ; đồng thời hoạt động tặng quà cho các trẻ bị dị tật khe hở môi – vòm miệng cũng đã diễn ra để động viên các bé.

BSCK II Đỗ Văn Cẩn, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Nhi TW cho biết dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng. Tuy nhiên, những trẻ này sẽ có khuôn mặt bình thường nếu được điều trị đúng thời điểm.

BSCK II Đỗ Văn Cẩn - Trưởng Khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Nhi TW, BS Nguyẽn Thị Ngọc Lan - Phó trưởng Khoa và bà Trần Huyền Trang ( áo xanh) cùng chuyên gia trị liệu Nguyễn Thị Thanh - đơn vị thính học và trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi TW thăm khám, trò chuyện với một bệnh nhi bị dị tật khe hở môi - vòm miệng đến thăm khám sáng 5/7.

Việc điều trị cho trẻ dị tật khe hở môi – vòm miệng là quá trình lâu dài với nhiều quy trình như phẫu thuật tạo hình môi, khe vòm, điều trị ngữ âm, nắn chỉnh răng, chỉnh hình xương, phẫu thuật thẩm mỹ khi trưởng thành.

Chia sẻ tại đây, bà Trần Huyền Trang - Giám đốc Smile Train tại Việt Nam cho biết, đến nay Smile Train đã phối hợp với 15 bệnh viện đối tác tiến hành phẫu thuật cho gần 30.000 trường hợp khe hở môi – vòm miệng, riêng tại Bệnh viện Nhi TW trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã phẫu thuật cho khoảng gần 900 trường hợp, có trẻ do dị tật phức tạp nên có thể phẫu thuật 2-3 lần, trong đó có những tháng cao điểm phẫu thuật khoảng 80 ca.

Tuy nhiên, theo bà Trần Huyền Trang đây mới là số lượng rất ít ỏi, các chuyên gia và Smile Train rất mong có nhiều gia đình mang con khe hở môi-vòm họng đến để phẫu thuật. Tới đây, bên cạnh điều trị phẫu thuật, Smile Traine đang kết hợp với các bệnh viện xây dựng quy trình chuẩn, đưa ra truyền thông đúng đắn để giúp các bé ngoài phẫu thuật sẽ được điều trị chỉnh nha, ngữ âm trị liệu để phục hồi hoàn toàn chức năng thẩm mỹ.

"Bất cứ bệnh viện đối tác nào triển khai được điều trị ngữ âm trị liệu cho trẻ sau phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòng miệng thì Smile Train đều đồng hành. Ngoài ra, năm 2023 chúng tôi và các bệnh viện đối tác dự kiến sẽ phát triển thêm về chỉnh nha cho trẻ sau phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòng miệng, hiện các đối tác đang làm việc để thống nhất về chuyên môn và phương thức hợp tác để có thể điều trị toàn diện cho trẻ giúp trẻ hoàn toàn như những trường hợp bình thường khác"- bà Trần Huyền Trang nói.

Liên quan đến việc điều trị ngữ âm cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng, BSCK II Đỗ Văn Cẩn cho hay, trung bình 10 trường hợp bị dị tật này có 20% phải điều trị ngữ âm.

Chuyên gia trị liệu Nguyễn Thị Thanh - đơn vị thính học và trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi TW trò chuyệ̣n với một bé đã phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòng miệng đến điều trị ngữ âm trị liệu

Chuyên gia trị liệu Nguyễn Thị Thanh - đơn vị thính học và trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi TW cho biết thêm trước 2019 nhận thức về trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng thường chỉ nghĩ làm sao đóng cho kín dị tật, tuy nhiên vài năm trở lại đây, không chỉ các chuyên gia y tế mà ngay cả các gia đình có con bị dị tật này đã quan tâm đến chức năng phát âm của trẻ, do đó con số trẻ được điều trị ngữ âm trị liệu sau phẫu thuật đã tăng lên. Tại Bệnh viện Nhi TW nếu như trong năm 2022 điều trị ngữ âm trị liệu cho 330 lượt trẻ sau phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòng miệng thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có gần 300 trường hợp.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hop-tac-mang-lai-nu-cuoi-vien-man-giong-noi-binh-thuong-cho-tre-di-tat-khe-ho-moi-vom-mieng-169230705161237217.htm