Hợp tác công tư quản lý và phát triển du lịch

Năm 2023, ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Tính đến hết tháng 9/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, tìm giải pháp đối với vấn đề phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến tại các địa phương nói riêng và ngành du lịch Việt Nam cấp thiết.

Trong đó, quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt, cần thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công tư nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương và quốc gia là cần thiết.

Hợp tác công tư cũng giúp ngành du lịch và các địa phương kết nối các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đơn cử, với các hợp tác công - tư, Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với các công trình điển hình như: Cầu Bạch Đằng; đường cao tốc Hạ Long -Vân Đồn -Móng Cái; đường cao tốc Tiên Yên -Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Tuần Châu, cảng tàu chuyên biệt dùng để đón các tàu biển du lịch đầu tiên tại Việt Nam; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng khách quốc tế Ao Tiên...

Còn từ nguồn ngân sách, tỉnh cũng xây dựng được hạ tầng thiết chế văn hóa đặc sắc như: cụm công trình Bảo tàng -Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch hội chợ và triển lãm tỉnh, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ - Móng Cái, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hạ Long...

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hợp tác công tư trong phát triển điểm đến du lịch nói riêng và xây dựng ngành du lịch vươn tầm, chuyển đổi số góp phần quan trọng. Thời gian qua, ngành du lịch và các DN đã quan tâm đầu tư cho chuyển đổi số. Các hoạt động du lịch ứng dụng công nghệ được du khách đón nhận tốt, giúp họ nâng tầm các trải nghiệm du lịch.

Với sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, DN, hình ảnh du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Vị thế du lịch Việt Nam ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… thì các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ.

Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, và có cơ hội nổi bật như một quốc gia dẫn đầu về tiến bộ kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á. Nỗ lực số hóa các quy trình du lịch cũng sẽ chuẩn hóa các quy trình phục vụ cho nhu cầu du lịch ngày càng tăng tại các điểm nóng du lịch của Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của các đối tác và DN địa phương.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hop-tac-cong-tu-quan-ly-va-phat-trien-du-lich.html