Họp hành nhiều khiến giáo viên ám ảnh, khiếp sợ

Phải nói rằng chuyện họp hành hiện nay ở các trường học đang là nỗi ám ảnh của giáo viên.

LTS: Phản ánh tình trạng họp hành nhiều tại các trường học, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng việc này đang tốn quá nhiều thời gian và gây quá tải cho các giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi bài viết đến quý độc giả.

Sáng chủ nhật ngày 20/11, đáng lẽ là ngày giáo viên như chúng tôi được nghỉ. Bởi ngày này không chỉ là ngày chủ nhật mà còn là ngày Nhà giáo Việt Nam - Ngày mà xã hội đang tôn vinh người thầy.

Vậy nhưng, trường chúng tôi vẫn họp để đánh giá đảng viên cuối năm. Vì nội dung cuộc họp dài mà xa trường nên khi tôi trở về nhà đã 1h chiều. Và, cũng là lúc vợ tôi dắt xe ra đi để dự một cuộc họp của nhà trường…

Phải nói rằng chuyện họp hành hiện nay ở các trường học đang là nỗi ám ảnh của giáo viên.

Thời gian họp nhiều khiến nhiều giáo viên cảm thấy quá tải. (Ảnh minh họa)

Những cuộc họp có tính chất quan trọng thì không nói làm gì nhưng có những cuộc họp mà nội dung chẳng có gì, không cần thiết phải triệu tập cuộc họp toàn trường hoặc một bộ phận giáo viên trong trường.

Tuy nhiên, Ban giám hiệu hoặc người đứng đầu đoàn thể vẫn mời các giáo viên dự họp.

Việc này gây lãng phí thời gian cho giáo viên và rất nhiều xáo trộn trong công việc hàng ngày của người thầy.

Một giáo viên bình thường mỗi tháng có 2 lần họp tổ, một lần họp hội đồng sư phạm nhà trường, một lần họp Chi bộ (nếu là đảng viên), họp chi Đoàn (đối với giáo viên trong tuổi Đoàn) họp Ban chấp hành công Đoàn (nếu là thành viên Ban chấp hành); Họp chủ nhiệm, họp phụ huynh học sinh.

Ngoài ra còn phải họp đột xuất khi học sinh vi phạm nội qui nhà trường, xét hoàn cảnh khó khăn cho học sinh khi cần thiết.

Những giáo viên đứng đầu các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thì những cuộc họp còn nhiều hơn.

Ngoài những cuộc họp như giáo viên thường thì các vị này phải dự thêm các cuộc họp như: Họp Tổ trưởng chuyên môn hàng tháng; Họp khi có đoàn thanh, kiểm tra cấp trên về trường.

Ngoài ra, còn có Họp làm kiểm định chất lượng giáo dục, Họp trước các ngày Lễ; Họp bàn các phong trào của trường; Họp xét khen thưởng, kỉ luật định kì và đột xuất…

Nói chung những cuộc họp cứ miên man theo ngày tháng.

Trong rất nhiều những cuộc họp của nhà trường có những cuộc họp định kì như họp Tổ chuyên môn, họp chi bộ, họp Hội đồng sư phạm thì nhiều cuộc họp có lẽ không cần triệu tập đông đủ nhiều thành phần hoặc phải triệu tập toàn bộ giáo viên trong nhà trường làm gì.

Bởi rất nhiều cuộc họp chồng lấn về nội dung, có những nội dung được đề cập nhiều lần trong cùng một thời gian.

Đầu tiên là họp chi bộ, rồi đến họp tổ trưởng, họp Hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn… cứ triển khai đi triển khai lại như thế để làm gì?

Chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có giáo viên ở thành phố là phần đông họ cư trú gần trường học nên phạm vi đi lại không nhiều.

Nhưng các trường ở nông thôn phần lớn là giáo viên từ các nơi khác đến dạy.

Có những giáo viên cách trường đến 30-40 km, thậm chí có người cách trường gần 50 km vậy mà nhiều khi không có tiết dạy vẫn phải đến họp khi nhà trường triệu tập.

Nhiều cuộc họp chỉ kéo dài khoảng 15 phút để triển khai làm một loại giấy tờ hay hồ sơ sổ sách, hoặc tham dự đón đoàn thanh, kiểm tra của cấp trên…

Nhiều khi kỉ luật một vài trường hợp học sinh vi phạm nhỏ cũng điều cả hội đồng vào để làm gì.

Bởi chỉ cần thành viên Ban giám hiệu, giáo viên Đoàn – Đội và giáo viên chủ nhiệm có thể giải quyết được rồi.

Những trường phổ thông vì lịch học từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần nên phần lớn các cuộc họp được bố trí vào ngày chủ nhật càng gây nên sự quá tải và mệt mỏi cho giáo viên.

Suốt cả tuần đi dạy chỉ mong có một ngày được nghỉ ngơi ở nhà để đi đây đó sang nhà anh em, cha mẹ thì lại vào trường họp.

Ngoài những cuộc họp đơn thuần ra thì mỗi khi dự thao giảng xong lại họp rút kinh nghiệm.

Mà thao giảng thì cũng rất nhiều cấp khác nhau: Thao giảng tổ, Thao giảng cấp trường, thao giảng cấp cụm hoặc Hội đồng bộ môn.

Càng thao giảng cấp cao hơn thì thời gian họp càng dài.

Thời đại công nghệ, giáo viên nào cũng có điện thoại, có email, hơn nữa bây giờ đa số các nhà trường có dịch vụ nhắn tin điện tử.

Nếu việc không cần thiết Ban giám hiệu chỉ cần nhắn tin hoặc gửi email cho giáo viên.

Hoặc triển khai cho các Tổ trưởng chuyên môn để mỗi lần họp tổ thì Tổ trưởng có thể triển khai lại cho các tổ viên của mình thực hiện.

Điều này không chỉ nâng cao được sự hào hứng cho người dự họp mà lại đỡ thời gian và không gây nên sự buồn tẻ trong mỗi buổi ngồi dự họp.

Có thể nói nhiều đơn vị giáo dục hiện nay còn có những qui định không phù hợp và thiết thực.

Ví dụ họp tổ chuyên môn: nếu đầu năm hay chuẩn bị thi học kì có nhiều việc triển khai và thảo luận về hồ sơ sổ sách, thảo luận về đề cương, đơn vị kiến thức để ra đề kiểm tra thì thời gian họp mới lâu.

Còn những cuộc họp bình thường thì cần gì phải “ép” giáo viên ngồi họp với nhau 3 tiếng đồng hồ.

Nhiều cán bộ cấp trên nói họp như vậy để thảo luận về chuyên môn mới sâu được.

Nhưng thử hỏi sách giáo khoa hàng chục năm không thay đổi nên giáo viên dạy một vài năm đã thuộc giáo án làu làu rồi, những bài nào khó thì thảo luận một hai lần đã tháo gỡ xong rồi thì ngồi với nhau 3 tiếng để thảo luận cái gì và làm như vậy có phải là đang “đày đọa” nhau không?

Một giáo viên bình thường không đảm nhận một chức vụ gì thì mỗi tháng cũng có ít nhất 4-5 lần họp.

Mỗi năm có hàng mấy chục cuộc họp, trong đó có rất nhiều cuộc họp không cần thiết.

Rõ ràng, chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian, tiền của của giáo viên một cách vô bổ.

Việc giảm bớt họp hành cũng là một bước đổi mới trong ngành giáo dục hiện nay mà chúng ta nên làm.

Nguyễn Cao

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hop-hanh-nhieu-khien-giao-vien-am-anh-khiep-so-post172623.gd