'Hợp đồng nô lệ' của các livestreamer Trung Quốc

Hứa hẹn danh tiếng thăng hoa và thu nhập bạc tỷ, nhưng cuối cùng các công ty livestream lại trói chân KOL bằng những hợp đồng khắc nghiệt, bóc lột lao động.

Là giáo viên môn viết thư pháp, Liu Fengyang (58 tuổi) còn có sở thích đăng video hát hò trên Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok. Vì thế, khi được một công ty quản lý livestream liên hệ vào giữa năm 2023, ông cứ nghĩ rằng mình đã bắt đầu sự nghiệp và dấn thân vào giới giải trí. Công ty này hứa hẹn ông sẽ nổi tiếng hơn và kiếm được bộn tiền nếu đầu quân cho họ.

Ngay lập tức, Liu đã ký hợp đồng với công ty, đồng ý livestream 4 giờ/ngày và tham gia vào các trận chiến "PK" - nơi những KOL cạnh tranh với nhau để kiếm quà ảo từ người hâm mộ. Kể từ đó trở đi, trong suốt 20 ngày liên tục, Liu phải lên sóng livestream không ngừng nghỉ. Nhưng người xem duy nhất là bạn bè và hàng xóm. Công ty quản lý tài năng (talent) không bao giờ gửi thiết bị, hay đào tạo ông như họ đã hứa.

Kể với Rest of World, giáo viên thư pháp này cho biết ông luôn thua trong các trận chiến PK với các cô gái trẻ. Sau đó, Liu quyết định ngừng livestream vì nhận ra mình sẽ không kiếm được tiền. Tuy nhiên, công ty đã kiện ông 200.000 nhân dân tệ (28.104 USD) vì vi phạm hợp đồng. Vụ kiện kéo dài trong nhiều tháng liền và khiến Liu luôn trong trạng thái căng thẳng. "Tôi thậm chí không thể ngủ được", Liu nói.

Bị mờ mắt trước thu nhập cao, nhiều người sập bẫy hợp đồng bóc lột, quay livestream phản cảm

Liu chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của các công ty bóc lột sức lao động này. Ngành công nghiệp livestream trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng một phần là nhớ con số 24.000 công ty quản lý talent.

Những công ty này chuyên đào tạo và cung cấp thiết bị cho livestreamer để giúp họ thu hút thêm người theo dõi và tăng thu nhập. Họ nhận hoa hồng từ thu nhập của KOL khi họ hát, nhảy, bán sản phẩm, tán tỉnh khán giả hoặc thực hiện các mánh lới quảng cáo để kiếm sống.

Thị trường livestream cạnh tranh nhưng cũng đầy bẫy rập của Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Nhiều năm trở lại đây, các công ty tìm kiếm nhân tài đã tuyển dụng hàng loạt những người nổi tiếng đầy tham vọng, bằng cách hứa hẹn sẽ tạo đường tắt để họ đạt đến đỉnh cao danh tiếng và thu nhập bạc tỷ.

Nhưng với thị trường KOL, KOC tràn ngập và sự cạnh tranh ngày càng cao như hiện nay, nhiều người cảm thấy mắc kẹt trong những hợp đồng nô lệ - làm việc không ngừng nghỉ, lương thấp và phải trả những khoản phí khổng lồ nếu muốn dứt khỏi.

Theo cơ sở dữ liệu China Judgements Online, chỉ riêng trong tháng 12/2023, các tòa án Trung Quốc đã đưa ra ít nhất 23 phán quyết liên quan đến tranh chấp hợp đồng livestream. Những người phát trực tiếp phải bồi thường chi phí đào tạo, chỗ ở và thiết bị cho các công ty quản lý sau khi họ rời đi. Một số người còn bị phạt vì livestream trên tài khoản cá nhân để né chia hoa hồng cho công ty.

Từng là MC, Songqin (22 tuổi) cho biết cô đã ký hợp đồng với một công ty vào năm 2019 để phát trực tiếp trên ứng dụng Huya. Bị hấp dẫn bởi thu nhập cao, cô đã phải cắn răng nhảy gợi cảm trong 6-10 giờ/ngày. Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc sau khi người quản lý yêu cầu cô gửi những bức ảnh gợi cảm cho người xem.

Song, theo truyền thông Trung Quốc, hợp đồng của Songqin quy định cô sẽ phải trả khoản phạt 300.000 nhân dân tệ (42.158 USD) nếu không đảm bảo đủ 2 năm làm việc. Chia sẻ với Rest of World, cô gái cho biết tòa án đã yêu cầu cô phải trả 100.000 nhân dân tệ (14.051 USD) vì vi phạm hợp đồng.

Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc lại quy định những người không tuân thủ lệnh của tòa án sẽ bị hạn chế mua vé máy bay và vé tàu. Songqin nói rằng cô không có tiền để trả tiền phạt vì thế không thể về thăm gia đình.

Tao, một KOL khác ở thành phố Trùng Khánh, cũng ký hợp đồng part-time 2 năm với một công ty tài năng vào tháng 11/2023. Thỏa thuận quy định cô phải livestream trên Douyin 3 giờ/ngày, 23 ngày/tháng.

Công ty sẽ đào tạo, cung cấp thiết bị và giúp cô nổi tiếng, đồng thời hứa hẹn trả lương ít nhất 5.000 nhân dân tệ (703 USD)/tháng trong 3 tháng đầu. Tao cũng sẽ được hưởng 25% thu nhập từ các buổi livestream.

Không được luật pháp bảo vệ, phải trả phí hủy hợp đồng

Theo Rest of World, trước sự bùng nổ của ngành livestream, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới đối với các công ty tuyển dụng nhân tài. Năm 2022, Tòa án Tối cao Trung Quốc yêu cầu thẩm phán địa phương tự quyết định số tiền phạt tùy theo mức thu nhập của người livestream và khoản đầu tư, thay vì tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của hợp đồng.

Lỗ hổng pháp luật khiến livestreamer bị dồn vào thế bí. Ảnh: Reuters.

Zhen Ye, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Erasmus Rotterdam, cho rằng các quy định này quá mơ hồ nên không thể bảo vệ người sáng tạo nội dung khỏi những hành vi lừa đảo, bóc lột lao động. “Hiện vẫn chưa có các quy tắc cụ thể về thời gian lao động hoặc quyền lợi hợp pháp và phúc lợi của những người livestream”, chuyên gia nói.

Theo các luật sư và nhà nghiên cứu, vì những loại hợp đồng này thường được viết dưới dạng hợp đồng kinh doanh chứ không phải hợp đồng lao động, nên những người phát trực tiếp khó có thể được bảo vệ.

Nói với Rest of World, Liu Xiaoqing, một luật sư ở Vũ Hán, tiết lộ công ty của cô đã xử lý hơn 200 trường hợp liên quan đến hợp đồng livestream vào năm ngoái. Trong đó, nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học đã ký hợp đồng vô tội vạ mà không hiểu các điều khoản pháp lý.

Theo một báo cáo ngành năm 2022 của Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc, những lý do phổ biến để bỏ việc bao gồm giày vò về mặt tinh thần và thu nhập thấp. 95,2% livestreamer được khảo sát cho biết họ kiếm được dưới 5.000 nhân dân tệ (702 USD) một /tháng. “Họ hủy hợp đồng vì kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần”, Liu nói.

Luật sư Jason Jiang ở Hàng Châu cho hay các hợp đồng livestream đôi khi yêu cầu khoản bồi thường hàng trăm nghìn USD nếu vi phạm. Một số công ty khởi kiện KOL đơn phương hủy hợp đồng để răn đe, ngăn cản những người khác rời đi.

Chính Liu Fengyang, người trước đây vốn chỉ xem việc đăng video hát hò trên Douyin như một sở thích, cũng cảm nhận được sự nghiệp ca hát màu hồng mà công ty quản lý hứa hẹn là một lời nói dối trắng trợn. Ông đã thuê luật sư và nộp đơn kiện lên các cơ quan chính phủ. “Tôi sẽ không livestream nữa. Mọi thứ đang ngày càng tệ dần”, ông Liu nói.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-kinh-hoang-mang-ten-hop-dong-no-le-cua-cac-livestreamer-trung-post1461031.html