Hồn Trương Ba - da hàng thịt kiểu… Tây (5)

Câu chuyện về Raoul Wallenberg cũng mang bóng dáng của câu thành ngữ 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'.

Kỳ cuối

Raoul Wallenberg

Là một thương nhân Thụy Sĩ, ông được ghi nhận như một anh hùng vì đã cứu hơn hàng chục ngàn người Do Thái trong Đại chiến Thế giới II, bằng cách chuẩn bị giấy tờ tùy thân giả mạo để họ có thể thoát khỏi cuộc hủy diệt người Do Thái lan tràn khắp châu Âu giai đoạn đó.

Năm 1931, Wallenberg sang học ngành Kiến trúc ở Michigan, Mỹ, sau đó làm việc cho một công ty vật liệu xây dựng của Thụy Điển ở Cape Town, Nam Phi. Năm 1936, ông trở lại Thụy Điển và làm tại Công ty Thương mại Trung Âu do Kalman Lauer, một người Do Thái, đứng đầu. Trong vòng một năm, Wallenberg là người đồng sở hữu và là Giám đốc quốc tế của công ty.

Đầu năm 1938, Vương quốc Hungary thông qua một loạt biện pháp chống người Do Thái theo Luật chủng tộc Nuremberf do Đức Quốc xã ban hành năm 1935. Cũng vì vậy mà Kalman Lauer ngày càng gặp khó khăn hơn khi đi về quê hương Hungary. Wallenberg phải đại diện cho Lauer sang Hungary làm việc và xem xét tình hình đại gia đình của Lauer còn ở lại Budapest. Ông cũng liên tục sang Đức và các vùng Pháp bị Đức chiếm đóng trong những năm đầu Đại chiến Thế giới II. Nhờ vậy, Wallenberg đã quan sát kỹ các biện pháp hành chính quan liêu của Đức Quốc xã, những kiến thức rất có giá trị với Wallenberg sau này.

Tháng 4 và tháng 5 năm 1944, Phát xít Đức bắt đầu đưa hàng loạt người Do Thái ở Hungary tới các trại tập trung ở Ba Lan dưới sự chỉ huy của trung tá SS Adolf Eichmann, mỗi ngày khoảng 12.000 người.

Mùa xuân năm 1944, Tổng thống Mỹ Roosevelt cử một viên chức Bộ Ngân khố Mỹ là Iver C.Olsen tới Stockholm làm đại diện cho Ủy ban người tị nạn chiến tranh, với vụ cụ thể là tìm kiếm cách hỗ trợ người Do Thái ở Hungary cùng một số nhiệm vụ bí mật khác. Olsen đã thiết lập một ủy ban gồm nhiều người Do Thái ở Thụy Điển, trong đó có Kalman Lauer. Lauer đã giới thiệu Wallenberg làm người lãnh đạo cuộc giải cứu người Do Thái và được chấp thuận.

Từ tháng 5 tới tháng 7 năm 1944, Eichmann và tay chân đã lưu đày trên 400.000 người Do Thái bằng xe lửa chở hàng hóa, trong đó có 15.000 người bị đưa trực tiếp tới Auschwitz. Khi Wallenberg tới Budapest, chỉ còn khoảng 230.000 người Do Thái vẫn còn ở Hungary. Cùng với nhà ngoại giao Thụy Điển đồng nghiệp Per Anger, ông đã làm giả những tấm “hộ chiếu che chở”, xác nhận những người mang hộ chiếu đó là công dân Thụy Điển đang chờ hồi hương và bảo vệ họ khỏi bị lưu đày. Nhưng những hộ chiếu này thường được chính quyền Hungary và Đức chấp nhận, dù người sử dụng đôi khi vẫn phải hối lộ. Công sứ quán Thụy Điển ở Budapest cũng thành công trong việc thương lượng với người Đức để những người Do Thái mang “hộ chiếu che chở” được đối xử như công dân Thụy Điển và không phải đeo phù hiệu màu vàng dành riêng cho người Do Thái.

Bằng tiền do Ủy ban người tị nạn chiến tranh cung cấp, Wallenberg đã thuê 32 tòa nhà ở Budapest và công bố chúng thuộc lãnh thổ Thụy Điển tại hải ngoại và được quyền miễn trừ ngoại giao. Khoảng 10.000 người Do Thái đã an toàn khi được tá túc tại đây.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/hon-truong-ba-da-hang-thit-kieu-tay-5-2404128-b.html