Hôn nhân bất lực - 'đất sống' của đòn ghen?

Vụ đánh ghen ầm ĩ tại siêu thị Big C Hà Đông đã khiến dư luận một lần nữa ồn ào quanh câu chuyện “ghen bạo lực”.

Những phản ứng trái chiều xung quanh hành động đánh ghen cho thấy một thực trạng có thật đang tồn tại: nỗi bức xúc trước thực trạng ngoại tình, sự bất lực trong giải quyết thực trạng ấy, đến mức phải dùng đến nắm đấm, đến đòn ghen.

Ảnh minh họa.

Khi cơn ghen bùng phát thành bạo lực

Cuộc đánh ghen dữ dội của người vợ với cô nhân tình khiến nhiều người chứng kiến và xem qua video “phát hoảng”.

Không chỉ chửi mắng, đánh đập thậm tệ, người vợ và bạn bè của mình còn lột áo, làm nhục cô gái được cho là “người thứ ba”, kéo lê từ hè phố xuống đường…

Dư luận phẫn nộ trước màn đánh ghen đầy bạo lực gây tổn hại sức khỏe và danh dự này. Thế nhưng, khi gia đình người vợ trần tình câu chuyện thì sự thông cảm lại dấy lên.

Theo thông tin từ phía gia đình người đánh ghen, người chồng vốn hay ghen, đánh đập vợ, bỏ bê con cái, thường xuyên cặp bồ.

Đến lần cặp bồ này thì cô bồ khá vô lý, không những không giấu giếm mà còn công khai thách thức người vợ.

Qua hình ảnh người vợ cung cấp cho thấy cô nhân tình thường “ghen ngược”, gửi hình thân mật giữa người chồng và cô này cho chị vợ, hăm dọa sẽ “chặn đường đánh”.

Chính sự dồn nén lâu ngày đã khiến chị vợ bùng phát bằng cách nhờ bạn bè “dạy cho hồ ly tinh một bài học”.

Trước đó, cũng một màn đánh ghen gây náo loạn phố phường, khi bà vợ cùng người nhà đánh ghen tàn tệ bồ nhí của chồng, thậm chí lột quần áo, xát muối vào vùng kín.

Chị vợ, nhân vật chính của màn đánh ghen này cũng cho biết, bất đắc dĩ phải đánh ghen thế này, vì cô bồ bám chồng mình quá, khiến gia đình chị có nguy cơ tan vỡ.

Trong khi các sự việc đánh ghen đang nóng hổi, một câu chuyện đánh ghen vừa mới xuất hiện trên mạng xã hội, nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.

Câu chuyện (được cho là có thật) kể về một người vợ tần tảo, xinh xắn, hy sinh không đi làm để ở nhà sinh con, chăm lo gia đình.

Trong khi đó, người chồng càng thành đạt, giàu có càng trở nên xấu tính, vừa ghen tuông một cách bệnh hoạn, hay đánh đập vợ, bạo lực tình dục… lại có tính hay bồ bịch.

Chịu đựng bao nhiêu năm, bỗng một ngày nọ, chị vợ thuê người đến nhà nghỉ nơi chồng đang hẹn với bồ nhí, đánh chồng và nhân tình thừa sống thiếu chết.

Khi được đưa đến công an, chị vợ đã trình bày tất cả thương tích do chồng đánh dập và cưỡng bức tình dục gây ra cho mình.

Sau đó, người chồng nằm trong bệnh viện, nhân tình không bén mảng tới, một tay người vợ chăm chồng, tất nhiên là với cả sự ngọt ngào lẫn đe nẹt.

Kể từ sau sự việc ấy, người chồng thay đổi hoàn toàn, còn người vợ trở nên năng động hơn bắt đầu tập kinh doanh, biết yêu bản thân mình và đẹp đẽ hơn…

Câu chuyện đánh ghen này, ngược đời thay, lại không bị lên án mà được đa số dư luận, nhất là phụ nữ, đồng tình.

Nó dường như một sự “xả stress”, “hả giận” giùm cho những người phụ nữ chưa, đang hoặc đã chìm trong nỗi đau, uất hận bị chồng phản bội.

Đánh ghen để được gì?

Trước đó, trong rất nhiều vụ đánh ghen gây ồn ào khác, người ta đều thấy có đến hai, ba luồng dư luận, số thì lên án việc đánh ghen động chân động tay, gây thương tích cho người khác, số thì cảm thông, số thậm chí còn đồng tình, vì cho đó là cách giải quyết duy nhất.

Một hành động ngược với đạo đức, pháp luật, nhưng không bị chê trách hẳn, điều này chứng tỏ sự hoang mang, mất nền tảng ứng xử trong đời sống xã hội nói riêng và đời sống hôn nhân nói chung.

Một khi ngoại tình đã trở thành hiện tượng “nhà nhà người người”, hôn nhân lung lay, thì cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều khó khăn trong việc tìm ra cách giải quyết.

Chính vì thế, bạo lực đã trở thành một lựa chọn để người bị phản bội trút giận, lấy lại công bằng cho mình.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, đánh ghen không bao giờ là một hành động mang lại kết quả tốt đẹp cho hôn nhân, và những câu chuyện đẹp như mơ có lẽ mãi mãi chỉ là chuyện kể.

Trên thực tế, đánh ghen chỉ có thể mang tác dụng thỏa ấm ức, và khi người phụ nữ dùng đến đòn ghen là khi họ thể hiện trọn vẹn sự bất lực của mình.

Việc sử dụng bạo lực ghen tuông sẽ đưa đến những hệ quả mà ai cũng có thể hình dung được: đẩy bạn đời ra xa hơn, cắt đứt chút tình sót lại, trong khi người đánh ghen hầu như coi việc đánh ghen là cách để níu tình.

Rồi, việc sử dụng những hành động bạo lực, hạ nhục người khác sẽ là vết hằn mãi mãi trong tâm trí những đứa trẻ trong gia đình, làm xấu hình ảnh của người mẹ trong mắt con thơ, trong mắt những người chung quanh…

Ngoài ra, chính người đi đánh ghen cũng là người sẽ phải chịu những ám ảnh về mặt tâm lý hơn ai hết. Đó là còn chưa kể đến hậu quả về mặt pháp lý.

Trong trường hợp của vụ đánh ghen ở Hà Đông, cơ quan chức năng đã cho rằng, vụ việc có thể mang yếu tố hình sự và hiện nay 3 người trong vụ đánh ghen đó đã bị cơ quan công an triệu tập.

Và trong nhiều vụ đánh ghen bạo lực khác cũng thế, nếu thực sự bị xem xét ở các tội “Cố ý gây thương tích và tổn hại cho sức khỏe của người khác” và tội “Làm nhục người khác”, thì người đánh ghen còn có thể bị phạt tù, mất hết tất cả hạnh phúc, tương lai.

Cho dù hôn nhân đến bước đường nào cũng còn có rất nhiều cách để giải quyết. Những đòn ghen sẽ biến người bị phản bội, bị hại thành kẻ gây hại cho người khác.

Phụ nữ, xin hãy nhớ, đòn ghen chỉ dành cho người bất lực, muốn đạp đổ mọi thứ thay vì gầy dựng lại mà thôi.

Phương Đông

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hon-nhan-bat-luc--dat-song-cua-don-ghen-d16457.html