'Hồn' gỗ lũa

Ở khu phố An Cư 3, An Hải Đông, Sơn Trà (Đà Nẵng), nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Chinh là người có thú chơi sưu tầm gỗ lũa. Bước vào ngôi nhà ông, từ sân vườn, phòng khách đến phòng ăn, ban công, sân thượng đều là nơi trưng bày những tuyệt tác nghệ thuật tự nhiên từ gỗ lũa được sưu tầm sau nhiều năm.

Ở khu phố An Cư 3, An Hải Đông, Sơn Trà (Đà Nẵng), nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Chinh là người có thú chơi sưu tầm gỗ lũa. Bước vào ngôi nhà ông, từ sân vườn, phòng khách đến phòng ăn, ban công, sân thượng đều là nơi trưng bày những tuyệt tác nghệ thuật tự nhiên từ gỗ lũa được sưu tầm sau nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Chinh bên những tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa.

Gọi là gỗ lũa vì đây là phần lõi còn lại của những thân, gốc cây cổ thụ già cỗi sau khi đã chết, do tác động của thời tiết nắng mưa xói mòn, những thân, gốc gỗ nằm trong bùn sâu, hoặc dưới lòng sông suối có tuổi đời cả trăm đến hàng ngàn năm, chẳng hề bị mối mọt. Những gốc cây tưởng chừng bỏ đi nhưng qua con mắt, bàn tay và ý tưởng nghệ thuật của người nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm mang vẻ đẹp độc đáo. "Độc nhất vô nhị" là câu ông Chinh thường nói về các tác phẩm của mình bởi bản thân những gốc gỗ lũa đã được thiên nhiên ban tặng hình thù hầu như không có phiên bản, kèm thêm sự khác biệt về cảm thụ vẻ đẹp của mỗi người, mỗi nghệ nhân mà gỗ đã được thổi hồn theo những hình tượng đầy sống động.

Khi được hỏi cơ duyên nào khiến ông có niềm đam mê sưu tầm gỗ lũa, ông bảo: "Có lẽ không có một lý do đặc biệt nào khiến tôi tìm đến gỗ có chăng duyên gỗ vận vào người mà yêu, mà đam mê với nó thôi". Ông kể, năm 20 tuổi ông đã bắt đầu với công việc xây dựng cầu đường. Do tính chất công việc đi khắp rừng núi sông suối nên đây cũng là một lợi thế để ông tìm được những gốc gỗ lũa với muôn vàn hình thù. Những năm đầu công tác tại Công ty xây dựng đường 75, đơn vị của ông được giao nâng cấp đường 14B (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh). Trong lần đi tuyến tại phân đoạn thác Nước thuộc địa phận H. Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, lần đầu tiên ông nhìn thấy gốc gỗ lũa nằm dưới dòng thác đổ về. Đam mê trỗi dậy, bất chấp sự nguy hiểm của dòng thác chảy xiết, ông Chinh lội xuống cố gắng đưa khúc gỗ lên, rồi ngắm nhìn không rời. Dưới con mắt nghệ thuật, từ gốc lũa mộc mạc ông đã sáng tạo và khắc họa lên sự tích "Cá chép vượt vũ môn".

Tác phẩm "Thăng Long rồng bay lên" được đánh giá là khủng nhất trong bộ sưu tập của ông Chinh.

Ngắm nhìn tác phẩm đầu tiên đã khiến ông Chinh dấn thân vào niềm đam mê gỗ lũa, được đặt trang trọng trên chiếc bàn tại phòng khách, tôi mới thấy được sự sáng tạo nghệ thuật trong mỗi con người rất đặc biệt. Ông bảo: "Chính bản thân khúc gỗ lũa ấy, qua sự bào mòn của thời gian, suối nước chảy đã mang trong mình những hình thù đặc biệt, bản thân nó cũng đã có hồn sẵn trong đó. Tôi chỉ là người làm sạch và sửa soạn thêm chút ít. Mỗi khúc gỗ tôi tìm được, chỉ cần nhìn qua hình dạng, tôi đã mường tượng ra tác phẩm mình cần gọi tên". Đáng chú ý nhất trong bộ sưu tầm phải kể đến 3 chùm gốc rễ lũa kết mảng lại đồ sộ nhất mà cũng gian nan nhất mới có, sau này được ông đặt tên cho tác phẩm này là "Thăng Long rồng bay lên". Gốc rễ lũa cao 2 mét, bề ngang 3 mét, nặng gần 300 kg với nhiều nhánh rễ đâm tứ phía được những người chài lưới tìm thấy ở vùng lòng hồ Kỳ Lão, Thạch Thành, Thanh Hóa và bán cho một người dân tại khu du lịch Tràng An Ninh Bình.

Vào năm 2001 trong một lần về thăm quê Ninh Bình, biết ông đam mê sưu tầm gỗ lũa, người thân mách ngay, chưa kịp nghỉ ngơi ông liền gấp rút tìm gặp chủ nhân của gốc lũa ấy và sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại, sau đó thuê xe vận chuyển về Đà Nẵng. Ngày đó đường sá phương tiện đi lại còn khó khăn, phải 2, 3 chặng xe mới đưa khúc gỗ khổng lồ về đến nhà. Ông kể, khi xe dừng ngay trước cổng nhà, ngoài sự vui mừng khôn xiết của ông là sự ngạc nhiên của vợ mình, tuy biết chồng có thú vui sưu tầm những gốc gỗ lũa bao năm nay nhưng đem một gốc gỗ lũa to khủng như thế về nhà là điều không hề đơn giản. Bà bảo: "Khi thấy gốc lũa nặng hàng trăm cân được chồng đưa về, tôi thấy cũng rất bất ngờ và hơi e ngại vì chỗ để, nhưng rồi cũng vui lây. Tôi biết tính ông ấy khi sưu tầm được một gốc lũa nào đấy là ông ấy luôn ngắm nghía rất lâu, rồi thích thú đặt tên tác phẩm cho phù hợp và đề nghị tôi cùng tham gia bình luận góp ý. Nhiều lần như vậy, tôi đều hưởng ứng tích cực thế là cùng đam mê theo ông ấy từ lúc nào không hay".

Với nhiều người, những khúc gỗ lũa tự nhiên nếu không có niềm đam mê nghệ thuật cũng chẳng nghĩ rằng nó sẽ có giá trị. Riêng với ông Chinh, tuy nghề chính là xây dựng nhưng lại có máu nghệ thuật, biết "hô biến" chúng trở thành tác phẩm theo ý mình nhằm làm sống lại những gốc gỗ lũa vô tri vô giác. Hơn 30 năm, số lượng tác phẩm sưu tầm ngày càng nhiều thêm, mỗi khúc gỗ gắn liền với những câu chuyện không thể nào quên trên hành trình về với thiên nhiên. Mọi không gian trong nhà ông Chinh giờ đây đều là chỗ trưng bày của những tác phẩm độc, lạ. Ông bảo, còn sức khỏe ông vẫn tiếp tục đi tìm những gốc lũa mà thiên nhiên đã ban tặng để lưu giữ chút thiêng liêng của đại ngàn.

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_208508_-hon-go-lua.aspx