Hơn 80 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Bộ Công thương vừa công bố danh sách 83 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 17/8/2023. Đáng chú ý, khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước.

Các địa phương đang tập trung nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo là TP. Hồ Chí Minh (47 thương nhân), Cần Thơ (42 thương nhân), Long An (25 thương nhân), Đồng Tháp (19 thương nhân), An Giang (18 thương nhân)… Với số lượng thương nhân nêu trên, sẽ đảm bảo cho việc thu mua gạo và phục vụ xuất khẩu hiện nay.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua tình hình xuất khẩu gạo trong nước có nhiều khởi sắc. Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Hơn 80 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh: minh họa

Hơn 80 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh: minh họa

Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo đã và đang không ngừng gia tăng. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đối với gạo 5% tấm hôm 17/8 tăng 5 USD/tấn so với ngày trước đó, lên mức 628 - 632 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm cũng từ mức 603 - 607 USD/tấn vọt lên mức 608 - 612 USD/tấn.

Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công thương giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng, sở công thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp.

Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Đối với công tác tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hon-80-thuong-nhan-du-dieu-kien-kinh-doanh-xuat-khau-gao-134384.html