Hơn 7.000 tỷ đồng mở rộng QL22

Theo kế hoạch, dự án mở rộng QL22 dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.409 tỷ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ tham gia dự án với tỉ lệ 50% để giải phóng mặt bằng, 50% còn lại do nhà đầu tư thi công phần xây lắp đầu tư.

Ngày 16-5, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Phan Công Bằng cho biết, sở vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TPHCM).

 Hiện nút giao hầm chui An Sương hoàn thiện, đưa vào sử dụng, nhưng tuyến QL22 chưa được mở rộng, giao thông thường xuyên ùn tắc. Ảnh: QUỐC HÙNG

Hiện nút giao hầm chui An Sương hoàn thiện, đưa vào sử dụng, nhưng tuyến QL22 chưa được mở rộng, giao thông thường xuyên ùn tắc. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo kế hoạch, từ nay đến quý 3-2025, dự án mở rộng QL22 sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn và ký hợp đồng với nhà đầu tư. Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.

 QL22 thường xuyên ùn tắc do đường quá hẹp. Ảnh: QUỐC HÙNG

QL22 thường xuyên ùn tắc do đường quá hẹp. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện điểm đầu QL22 là nút giao An Sương đã đầu tư hoàn thành với quy mô 3 tầng (cầu vượt, mặt đất, hầm chui). Ngoài ra, TPHCM đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 51km, tổng vốn khoảng 19.600 tỷ đồng theo hình thức BOT. Điểm đầu cao tốc giao với đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua huyện Củ Chi (TPHCM), điểm cuối kết nối QL22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). TPHCM dự kiến khởi công cao tốc năm 2025, hoàn thành năm 2027. Do đó, việc sớm nâng cấp, mở rộng QL22 để đồng bộ kết nối giao thông là cần thiết.

 Nút giao hầm chui An Sương hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nút giao hầm chui An Sương hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Ảnh: QUỐC HÙNG

QL22 nằm ở cửa ngõ Tây Bắc và là tuyến quốc lộ độc nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lượng phương tiện tăng nhanh gây quá tải, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc giao thông. Hiện mỗi bên chỉ có 2 làn ôtô và 1 làn xe máy.

Cách đây 10 năm, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất triển khai mở rộng QL22 lên 60m theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai và đến năm 2017, Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho triển khai hợp đồng BOT trên đường hiện hữu.

Năm 2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho phép TPHCM được đầu tư BOT với công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu. Trên cơ sở này, tháng 9-2023, HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TPHCM) dài 9,1km theo hình thức BOT. Đoạn QL22 sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe, trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa…

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hon-7000-ty-dong-mo-rong-ql22-post740099.html