Hơn 6.000 ý kiến, đề xuất gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sáng 15-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT năm 2023”. Hơn 6.000 ý kiến, đề xuất được gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Chương trình được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước, với sự tham gia của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; các cục, vụ thuộc bộ, hơn 700.000 giáo viên (GV) mầm non, phổ thông trong cả nước. Tại Khánh Hòa có 56 điểm cầu gồm: Sở GD-ĐT, một số phòng GD-ĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT...

Nhà giáo bày tỏ tâm tư

Trong chương trình, các nhà giáo đã bày tỏ tâm tư, đề xuất nhiều vấn đề như: Cần tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho GV, nhất là GV mầm non để họ an tâm công tác; điều chỉnh định mức GV/lớp; giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết để GV tập trung cho công tác chuyên môn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới; những khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Quang cảnh tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (tòa nhà VNPT Khánh Hòa).

Cô Hoàng Hải Vân - GV Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang) bày tỏ băn khoăn về việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn bất cập khi GV được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc yêu cầu GV bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho GV tham gia bồi dưỡng các môn này. “Đề nghị bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Bản thân là một GV, đồng thời là một phụ huynh học sinh nên tôi cũng có những trăn trở nhất định như: Việc chuyển trường của học sinh gặp khó khăn; việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, đại học, cao đẳng, thi học sinh giỏi các cấp, phương án thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới như thế nào?”, cô Vân nói.

Sẽ có một số thay đổi, điều chỉnh

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với các GV và toàn ngành GD-ĐT trước những khó khăn liên quan đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là chương trình được thiết kế hiện đại, đòi hỏi những công cụ tương ứng với các yêu cầu. Trong đó, việc dạy học tích hợp là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Sắp tới, bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, khả năng cao sẽ có những điều chỉnh đối với các môn tích hợp ở cấp THCS. Tuy nhiên, phải xem xét, cân nhắc điều chỉnh như thế nào để không gây ra sự xáo trộn. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dành cho lứa học sinh đầu tiên học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, dự kiến sẽ có một số điều chỉnh bước đầu. Tuy nhiên, do cần có khoảng thời gian nhất định để học sinh được hưởng thụ đầy đủ chương trình mới nên việc điều chỉnh phương án thi sẽ phải nghiên cứu để không gây sốc cho phụ huynh, học sinh. Trong quý IV/2023, phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được công bố.

Cô Hoàng Hải Vân - giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu nêu ý kiến tại chương trình gặp gỡ bộ trưởng.

Đồng cảm với những trăn trở của đội ngũ GV, trong đó có GV mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước đầu, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến sẽ tăng phụ cấp cho GV mầm non thêm 10% và GV tiểu học thêm 5%; vấn đề tiếp theo là thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó trình Chính phủ thông qua. Đối với ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu của GV mầm non, trong góp ý điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến đề nghị đưa GV mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.

Để chuẩn bị cho chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tập hợp ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, trường học trên cả nước. Tổng cộng có hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về từ các kênh. Trong đó, gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp đối với GV; gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo; gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm non; 160 ý kiến về thiếu trường lớp, nhà công vụ GV, cơ sở vật chất trường học; 41 ý kiến phản ánh về việc thiếu GV cục bộ ở vùng sâu, vùng xa và GV dạy một số bộ môn khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong công cuộc đổi mới, bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của các hiệu trưởng - người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ cho các đồng nghiệp của mình. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát hệ thống chính sách liên quan đến ngành GD-ĐT. Việc xây dựng Luật Nhà giáo thời gian tới có thể đem đến những chuyển biến tích cực về thể chế. Bộ cũng sẽ làm nhiều việc để 2 khối giáo dục công và tư bình đẳng, tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành việc tăng phụ cấp ưu đãi cho GV, nhân viên trường học, chăm lo tốt hơn điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo… “Mong các nhà giáo kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành; kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ, đồng hành; kiên quyết chống biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người; kiên trinh với nghề giáo và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn gửi tới các nhà giáo trước thềm năm học mới.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202308/hon-6000-y-kien-de-xuat-gui-toibo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-3bd304f/