Hơn 350 doanh nhân Long An tìm hiểu về văn hóa cổ truyền

Vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An đã tổ chức họp mặt doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hơn 350 doanh nhân đại diện doanh nghiệp trong tỉnh đã có một buổi họp mặt cùng tìm hiểu về văn hóa cổ truyền.

Nhiều chuyển biến tích cực trong nền kinh tế của tỉnh

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang phục hồi và tiếp tục tăng trưởng ổn định, nền kinh tế tỉnh Long An cũng cho thấy nhiều khởi sắc khi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân tỉnh Long An đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn quy mô, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập mới 1.102 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 12.244 tỷ đồng, tăng 15,7% số doanh nghiệp và giảm 6,6% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9.342 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 223.491 tỷ đồng.

Tại buổi họp mặt, các doanh nhân tiêu biểu trong tỉnh đều thể hiện quyết tâm cao đưa doanh nghiệp không ngừng phát triển, ngày càng nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp, doanh nhân Long An ngoài việc phải đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thì một trong những thách thức lớn lao là phải giữ gìn thương hiệu Việt Nam và khẳng định tiếng nói Việt Nam trong văn hóa của doanh nghiệp.

Từ đó, cùng với CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ, hơn 350 doanh nhân tham dự lễ họp mặt đã có buổi trao đổi, tìm hiểu về văn hóa cổ truyền đặc sắc của Việt Nam cũng như cùng thảo luận về phương pháp để ứng dựng những giá trị kinh tế đó trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nhân và doanh nghiệp cùng giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong chuyên đề “Hào khí non sông và Văn hóa cổ truyền Việt Nam”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã kể cho hơn 350 doanh nhân nghe những câu chuyện rất đẹp về sức sống của nền văn hóa truyền thống và giá trị của hào khí non sông Việt Nam.

Trong cả thời kỳ dựng nước, giữ nước, đấu tranh giành độc lập và phát triển kinh tế, những giá trị văn hóa đó vừa được sản sinh lại vừa thúc đẩy tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và tinh thần đấu tranh bất khuất của con người Việt Nam.

Tiêu biểu cho những giá trị đó có thể kể đến hình ảnh cây tre, một biểu tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam và cũng là một biểu tượng rất đẹp về hình ảnh và nhân cách của con người Việt Nam.

Tre mọc lên khỏi mặt đất một thời gian thì cúi ngọn mang ý nghĩa khiêm cung. Tre mọc có lóng, có tiết tượng trưng sự mực thước. Tre ruột rỗng nhưng không bẻ gãy biểu thị sự kiên cường. Tre già măng mọc thể hiện tính kế thừa. Tre mọc cả bụi tượng trưng cho sự đoàn kết…

Đất nước ta nhiều lần thịnh suy nhưng dân tộc ta luôn mang khát vọng trở thành một nước độc lập tự chủ và luôn giữ gìn bản sắc Việt. Dù cho kẻ xâm lăng đốt sách, bắt thầy nhằm tiêu diệt văn hóa của chúng ta nhưng nhờ phong tục tập quán đã thấm vào máu tim mỗi người con nước Việt nên chúng không thể “đồng hóa” được.

Cùng nhìn lại quá trình phát triển kinh tế tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung, nhiều doanh nhân ý thức được rằng việc chạy đua làm kinh tế dễ gây ra việc mất cân bằng giữa giá trị kinh tế và văn hóa.

Trong khi đó, nền tảng của văn hóa truyền thống là sức mạnh để làm kinh tế. Do vậy, cần phải làm rõ bản sắc văn hóa của dân tộc và phát triển rộng rãi hơn nữa bản sắc văn hóa đó trong từng doanh nghiệp cũng như củng cố tinh thần văn hóa đó trong mỗi doanh nhân.

Kết thúc chuyên đề, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh: “Trong thời hội nhập kinh tế, có rất nhiều loại hình văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam làm cho nền văn hóa dân tộc ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế bản thân mỗi người phải tự ý thức giữ gìn và phát triển nền văn hóa từ những điều bình dị, đời thường nhất như xây dựng nếp sống văn minh tình nghĩa, giáo dục đạo đức… bởi lẽ “Văn hóa còn là đất nước còn!”.

Để thấm thía hơn những giá trị cao đẹp của nền văn hóa cổ truyền, hơn 350 doanh nhân đã cùng thưởng thức những chặp cải lương đặc sắc từ CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ như: Thái hậu Dương Vân Nga, Hào khí Trưng Vương, Sông núi phương Nam...

Trước đó, các thành viên trong CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ đã có buổi diễn thành công tại Festival Nghệ thuật truyền thống châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Đài Loan.

T.Đ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hon-350-doanh-nhan-long-an-tim-hieu-ve-van-hoa-co-truyen-3902787-v.html