Hơn 150 tàu thuyền tham gia Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có nguồn gốc từ lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển, với ý nghĩa mong cầu mưa thuận gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân đi biển trúng nhiều cá tôm.

Từ ngày 23-25/3 (ngày 14-16/2 âm lịch), tại thị trấn Sống Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ hội Nghinh Ông, trong đó phần lễ chính vào ngày 15/2 âm lịch.

Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ cá Ông (cá voi) ở thị trấn Sông Đốc. Với người dân làm nghề biển, họ xem cá voi là loài vật thiêng liêng, ví như vị thần Đại tướng quân Nam Hải độ trì hộ mệnh ghe tàu ra khơi khai thác thủy sản, khi gặp nạn sóng to gió lớn sẽ được Ông nâng đỡ. Vì vậy mà hầu hết các làng chài ven biển Việt Nam nói chung, Sông Đốc nói riêng đều xây dựng lăng thờ cá Ông.

Nghi thức cúng tế tại Lăng Ông Sông Đốc. Ảnh: Báo Cà Mau

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Lễ hội được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 2/2021.

Theo Ban tổ chức, Lễ Nghinh Ông có những nghi thức cúng tế rất riêng, mang đậm bản sắc văn hóa của ngư dân bản địa, được gìn giữ, trao truyền và phát huy, thông qua những dịp lễ hội.

Năm nay là lần thứ 99 lễ hội được diễn ra kể từ lần đầu tiên khi Lăng thờ cá Ông của làng chài Sông Đốc được xây dựng (năm 1925).

Phần lễ được bắt đầu từ nghi thức cúng tế, tiếp theo là nghi thức rước Long Đình từ Vạn Lăng Nam Hải với cung nữ, hội ông, hội bà cùng đội cầm cờ nước, cờ phướng, kích, trống, lân… cùng hàng ngàn người tham gia diễu hành từ Lăng Ông đến Cảng cá Sông Đốc trước khi đưa xuống tàu ra biển nghinh Ông.

Đoàn rước qua thị trấn Sông Đốc. Ảnh: Báo Cà Mau

Năm nay, Lễ Nghinh Ông trên biển có 6 phương tiện là tàu đánh cá do Ban Tổ chức sắp xếp chở Long Ðình, 150 phương tiện đánh bắt hộ tống và tổ chức làm lễ cầu ngư.

Khi diễu hành, trong những tàu thuyền lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính gồm ba chiếc kết lại thành đoàn, người ta gọi là tàu thủy lực, tàu này có nhiệm vụ chở ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…

Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người làm thủ tục khấn vái, thắp hương và "xin keo". Khi xin "được keo", tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về lăng Ông để thờ cúng.

Ở phần hội, nhiều hoạt động được tổ chức, tạo không khí tưng bừng, như: thi bơi thúng; trò chơi dân gian bắt vịt trên sông; thi kéo co; biểu diễn múa lân; biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, giao lưu giữa các tài tử, múa dân vũ; triển lãm tư liệu hình ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý”…

Đoàn tàu thuyền trang trí cờ hoa, băng rôn rực rỡ ra biển nghinh Ông. Ảnh: Báo Cà Mau

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc với ý nghĩa mong cầu mưa thuận gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân đi biển trúng nhiều cá tôm. Việc thực hành nghi thức tín ngưỡng này còn giúp gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo của người dân miền biển Cà Mau.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-150-tau-thuyen-tham-gia-le-hoi-nghinh-ong-song-doc-post289038.html