Hơn 10 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu

Nhiều chuyên gia cho rằng việc không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng có thể dẫn đến tình trạng nhập lậu, qua đó sẽ chảy máu một lượng ngoại tệ không nhỏ gây ảnh hưởng đến tỷ giá.

Độc quyền, không tránh khỏi buôn lậu vàng

Theo Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, trong năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng, trong khi đó, lượng vàng khai thác trong nước mỗi năm chỉ vài tấn.

Theo các chuyên gia, nhìn vào con số trên có thể thấy đa phần nhu cầu vàng trên thị trường được đáp ứng thông qua việc thu mua từ người dân và nhập từ con đường không chính ngạch. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, song các với sự chênh lệch giá như hiện nay, chắc chắn sẽ kích thích buôn lậu vàng.

“Như vậy có thể thấy hàng năm nước ta phải chi hàng tỷ USD để nhập lậu vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức 15-20 triệu đồng/lượng càng kích thích nhập lậu vàng, gây áp lực lớn lên tỷ giá”, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng cho rằng nếu cứ kéo dài tình trạng này, việc quản lý thị trường sẽ ngày càng phức tạp.

Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức là rất lớn

Theo ông, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, điều này sẽ gây rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức.

“Ba miếng vàng của chỉ có kích thước bằng 1 gói thuốc lá, chỉ cần buôn lậu trót lọt, lợi nhuận đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi buôn ma túy sẽ bị xử phạt rất nặng, thì buôn lậu vàng lại có mức xử lý nhẹ hơn rất nhiều. Lợi nhuận cao, mức xử phạt nhẹ, rõ ràng là môi trường tốt để kích thích buôn lậu”, ông Bảng nói.

Cũng theo ông, do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường và không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. “Doanh nghiệp vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường" - ông Bảng cho hay.

Có lo ảnh hưởng tỷ giá?

Một chuyên gia lâu năm từng kinh doanh vàng cũng cho biết, từ năm 2009, khi chưa có Nghị định 24, riêng doanh nghiệp kinh doanh vàng của ông mỗi năm cần tới 35 tấn vàng để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Thị trường có khoảng gần chục doanh nghiệp lớn, tính ra số vàng cần để đáp ứng nhu cầu lên tới hàng trăm tấn.

Từ khi có Nghị định 24, nhu cầu của người dân giảm nhiều. Tuy nhiên, với thực trạng chênh lệch giá cao, nhu cầu mua bán tăng vọt như hiện nay thì vàng lậu là điều không tránh khỏi. Những vụ buôn lậu vàng được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua là minh chứng, song ông cũng cho rằng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Một trong những vấn đề mà cơ quan quản lý lo ngại khi cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng là ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới lại cho rằng, đương nhiên nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô, song vị thế dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

“Điều quan trọng nhất, như chúng ta thấy, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức” – đại diện Hội đồng Vàng thế giới nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, việc cho phép nhập khẩu vàng dù có ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, song ngược lại cũng có thể thu về ngoại tệ khi xuất khẩu vàng.

“Nếu nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ, sẽ có 3 cái lợi. Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, thứ 2, vàng trang sức có thể xuất khẩu. Thực tế cho thấy, vàng trang sức của Việt Nam đã được xuất khẩu vào các thị trường Malaysia, Singapore… thu về hàng tỷ USD. Và thứ ba, việc xuất khẩu vàng trang sức cũng là một kênh hỗ trợ du lịch rất tốt”, ông Đinh Nho Bảng nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hon-10-nam-qua-chua-doanh-nghiep-nao-duoc-cap-phep-nhap-vang-nguyen-lieu-post570255.antd