Hơn 10.000 doanh nghiệp được đào tạo chuyển đổi số

Dự án đào tạo về chuyển đổi số cho hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, 2.392 quy định kinh doanh được cắt giảm, 194 văn bản quy phạm pháp luật được đơn giản hóa.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Chiều 4/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2018 – 2023 (Dự án LinkSME).

Từ năm 2018 đến nay, Dự án LinkSME đã triển khai thành công các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan đối tác tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hội nghị tổng kết Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2018 – 2023.

Qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (DN), thúc đẩy DN kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính.

Cụ thể, dự án đã hỗ trợ trên 70 nghiên cứu khuyến nghị và tài liệu hướng dẫn nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.

Qua đó, đóng góp một phần vào kết quả thực hiện Nghị quyết của Chính phủ với 2.392 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại 194 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2021 đến nay.

Dự án đã hỗ trợ triển khai thí điểm các nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 14 tỉnh và một bộ. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng khung bộ chỉ số điều hành phục vụ quá trình ra quyết định của Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường kinh doanh.

Đào tạo về chuyển đổi số cho hơn 10.000 DN

Kết quả cho thấy dự án cũng đã đánh giá năng lực sơ bộ, sàng lọc 180 DN, đánh giá năng lực toàn diện 11 DN và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 41 DN để kết nối kinh doanh.

Trong tổng số 318 đơn đặt hàng với DN đầu chuỗi được kết nối, 280 đơn hàng được giao và thanh toán thành công với tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng. Các sản phẩm đầu ra cung ứng cho các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Hong Kong (TQ) và các DN đầu chuỗi nước ngoài có nhà máy đặt tại Việt Nam.

Hỗ trợ chuyên sâu cho 24 DNNVV tái cơ cấu nợ và tiếp cận thành công các khoản vay tới tổng giá trị lên gần 450 tỷ đồng (tương đương hơn 18 triệu USD).

Dự án đã xây dựng các cuốn sổ tay chuyển đổi số.

Liên quan đến hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, Dự án đã đồng hành cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, đào tạo về chuyển đổi số cho hơn 10.000 DN tại 40 tỉnh, thành phố. Hỗ trợ chuyên sâu để xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho 35 DN. Đây sẽ là những điển hình thành công giúp lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số để nắm bắt những cơ hội thị trường mới.

Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm 100 tổ chức và cá nhân tư vấn, đào tạo, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho DN.

Ra mắt trang vàng giải pháp chuyển đổi số - cơ sở dữ liệu đầu tiên về các giải pháp chuyển đổi số phổ biến cho DN trên toàn quốc.

Hỗ trợ hơn 1.800 DN sử dụng bộ công cụ trực tuyến để đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.

Hỗ trợ hàng ngàn DN tiếp cận các tài liệu, sổ tay, video hướng dẫn chuyển đổi số trong một số lĩnh vực chính như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, chế biến và phân phối thực phẩm, bán lẻ và logistics.

Đào tạo cho gần 300 DN về truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Trong đó, có 28 DN được hỗ trợ triển khai thành công mã số, mã vạch và ứng dụng công nghệ block chain, 10 doanh nghiệp được hỗ trợ triển khai thành công các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Đánh giá kết quả dự án, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết trong thời gian qua, thông qua dự án LinkSME, USAID đã hỗ trợ Chính phủ nhiều hoạt động nghiên cứu, rà soát và đưa ra nhiều khuyến nghị để thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, Dự án LinkSME rất thiết thực, đã đóng góp vào việc cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, giúp DN tiếp cận vốn, quan hệ các chuỗi đầu tiêu thụ và chuyển đổi số. Ông Thân hy vọng dự án tiếp tục được triển khai.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, USAID luôn cùng Việt Nam nỗ lực giải quyết những thách thức quan trọng về điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và mức độ sẵn sàng của lượng lao động trước yêu cầu của nền kinh tế số.

“Những kết quả mà chúng ta cùng nhau đạt được thông qua hợp tác triển khai dự án USAID LinkSME là nền tảng giúp các DNNVV và các tổ chức hỗ trợ DN của Việt Nam nâng cao năng lực, thúc đẩy giao thương, tăng cường kết nối và gặt hái những thành công mới trong tương lai”, bà Aler nói.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hon-10-000-dn-duoc-dao-tao-chuyen-doi-so-cat-giam-gan-2-400-quy-dinh-kinh-doanh-2173761.html