Hơn 1.000 học sinh được tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ

Ngày 13/4, hơn 1.000 học sinh các trường trung học phổ thông tại Hà Nội tham gia chương trình 'Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ' tại Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên).

Học sinh tham gia chương trình "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ". Ảnh: BTC

Theo Ban tổ chức, năm 2024 là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ. Kể từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều điều chỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác tuyển sinh của các trường đại học dự kiến sẽ có một số thay đổi. Bởi vậy, việc giúp học sinh định hướng đúng ngành, nghề là vô cùng quan trọng.

Trúng tuyển sớm chưa phải đỗ đại học

Tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất.

Tuy nhiên, điểm thí sinh cần lưu ý để tránh xảy ra sai sót không đáng có đó là bám sát quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học. Quy trình này được thực hiện trực tuyến.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: BTC

Bên cạnh đó, thí sinh cần phải nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và thời hạn nộp.

Khi nhận được thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó chưa trúng tuyển chính thức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chọn ngành học như chọn bạn đời

Tại chương trình, những thắc mắc của học sinh xoay quanh vấn đề chọn ngành chọn nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai đã được chuyên gia đến từ các trường cao đẳng, đại học tư vấn, giải đáp.

Theo Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên - Trưởng phòng hợp tác, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam cho rằng, chọn một ngành học như chọn người bạn đời và cần thực hiện các bước:

Bước 1 - Hiểu mình, đó là hiểu về bản thân, có những điểm mạnh yếu như thế nào, điều kiện hoàn cảnh, vấn đề xung quanh mình;

Bước 2 - Hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, chương trình dạy thế nào…

Bước thứ 4 - Trải nghiệm, gặp gỡ những người mình quan tâm, đến thực tế tham quan, tìm hiểu các trường dự kiến thi vào, các ngành nghề định chọn;

Bước 5 - Ra quyết định, thu thập tất cả thông tin các bước trên, lập bảng kế hoạch và ra quyết định.

Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên - Trưởng phòng hợp tác, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam. Ảnh: BTC

Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành "hot" Công nghệ bán dẫn, Tiến sĩ Lê Đình Nam, Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, đây không phải ngành học mới nhưng nhu cầu nhân lực chất lượng cao rất phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam như Samsung, Intel, Applied Micro, Vector Fabrication... nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh.

Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.

Tiến sĩ Lê Đình Nam, Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: BTC

Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn, năm 2023, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.

Theo thống kê của Đại học Bách Khoa Hà Nội, đa phần các bạn sinh viên đều làm việc đúng ngành đúng nghề hoặc một bộ phận nhỏ được làm gần ngành nghề được học.

Giải đáp về việc đào tạo chuyên ngành Công nghệ tại các trường đại học, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho biết, khi học khối ngành Công nghệ, các em cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hành. Tại Trường Đại học Thành đô, nhà trường sẽ cung cấp kiến thức thực tế cho học sinh thông qua khóa đào tạo kiến thức, sau đó sẽ có học kỳ doanh nghiệp.

Các em sẽ được đi thực tế ở một số doanh nghiệp tại các nước, qua đó giúp các em không chỉ học hỏi kỹ năng mà tại còn được chi trả một phần lương. Vì thế, khi theo học chuyên ngành này tại trường, các em cần học tốt các kỳ thực hành và thực tập để có kiến thức khi ra trường...

Chương trình "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ" do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các đơn vị tổ chức nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh trung học phổ thông những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hon-1000-hoc-sinh-duoc-tu-van-huong-nghiep-ve-khoi-nganh-cong-nghe-179240413115737442.htm