Hồi ức đẹp của những sinh viên thế hệ đầu tham gia phong trào tình nguyện 'Ánh sáng văn hóa Hè'

Nhiều hồi ức đẹp về những tháng ngày tuổi trẻ trong phong trào tình nguyện 'Ánh sáng văn hóa Hè' 1994 đã được các đại biểu chia sẻ tại chương trình Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu, nhân Kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè của thanh niên TP. HCM (1994 - 2023), diễn ra tại Hội trường Dinh Độc Lập (TP. HCM), sáng 6/9.

Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Năng - nguyên Bí thư Thành Đoàn TP. HCM, Chỉ huy trưởng chiến dịch "Ánh sáng văn hóa Hè" năm 1994 bồi hồi nhớ lại khí thế tình nguyện sôi nổi của 710 bạn sinh viên từ 10 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về thực hiện công tác xóa mù chữ tại địa bàn các xã thuộc huyện Bình Chánh.

“Nguồn kinh phí của chương trình rất hạn hẹp. Lúc đó, chỉ có bó rau, quả trứng... mà dù hoàn cảnh khá khó khăn, nhưng những gia đình nuôi quân vẫn để dành cho sinh viên tình nguyện. Đây là những tình cảm lớn lắm, không gì đo đếm được, đã nuôi lớn bao thế hệ sinh viên tình nguyện qua mỗi mùa chiến dịch. Chính những tình cảm này càng thôi thúc các bạn sinh viên tình nguyện cống hiến hơn nữa sức trẻ cùng công cuộc “xóa mù chữ” cho người dân mà lãnh đạo TP. HCM lúc đó cũng đang phát động”, ông Nguyễn Hoàng Năng bày tỏ.

Từ chiến dịch "Ánh sáng Văn hóa Hè", ra quân năm 1994, những năm về sau “Mùa Hè Xanh”, “Hoa phượng Đỏ”, “Kỳ nghỉ Hồng”, “Hành quân Xanh”, “Tiếp sức mùa thi”… đã trở thành các chiến dịch, chương trình tình nguyện ý nghĩa không chỉ của TP. HCM mà còn của thanh niên trên cả nước.

Nguyên bí thư Thành Đoàn Nguyễn Hoàng Năng, Chỉ huy trưởng "Ánh sáng văn hóa Hè" năm 1994, chia sẻ hồi ức về tình nguyện. (Ảnh: Ngô Tùng)

Trong khi đó, Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức) nhớ lại, ông và các anh em sinh viên tình nguyện đã từng thao thức về việc làm sao phát huy chuyên môn, thế mạnh của sinh viên từng trường để có thể giúp bà con nơi đóng quân nhiều nhất. “Tôi nhớ mãi là trong những lần đi khám bệnh, có người dân nói rằng lâu lắm rồi chưa biết khám bệnh là gì, điều này càng thôi thúc chúng tôi phải đi nhiều hơn, có khi những chuyến đi suốt cả ba tháng Hè”, Bác sĩ Khanh cho biết.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

Có mặt tại chương trình, ông Phạm Văn Đặng - người đã nhiều năm nuôi quân tại ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP. HCM) nhớ lại những ngày đầu của "Ánh sáng văn hóa Hè" tới xã đảo. Nhà ông khi đó đã đón sinh viên tình nguyện về xóa mù chữ cho bà con trong căn nhà sàn mái lá. “Ban ngày mọi người đi biển, tối về lại lên lớp xóa mù chữ do sinh viên tình nguyện đứng lớp. Nhiều bạn sau này vẫn ghé về thăm, đám cưới còn mời hai vợ chồng tôi lên dự và vẫn giữ liên hệ như những người thân trong nhà”, ông Đặng bộc bạch.

Ông Đặng cũng bày tỏ sự trân quý đối với các bạn sinh viên từ những ngày đầu của phòng trào tình nguyện đã đến xã đảo dạy bà con biết đọc, biết viết. “Dù hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, chúng tôi và sinh viên cùng ăn, cùng ở, nhà có gì ăn đó”, ông Đặng nói.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Thành Đoàn TP. HCM Phan Thị Thanh Phương cho biết, tiếp bước "những sinh viên thế hệ đầu tham gia chương trình tình nguyện", các chiến sĩ tình nguyện thành phố đã và đang sẵn sàng dấn thân, tiếp nối hoạt động cả chiều sâu và bề rộng. Từ "Ánh sáng văn hóa Hè" năm 1994 đã phát triển thành sáu chương trình, chiến dịch tình nguyện thu hút hơn 5 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia 30 năm qua.

Quang cảnh tại Hội trường Dinh Độc Lập diễn ra chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

“Tình nguyện đã chứng minh tư duy sáng tạo, tinh thần đeo bám kiên trì của tổ chức Đoàn - Hội. Hoạt động tình nguyện Hè tạo nên sức bật mới cho phong trào thanh niên”, chị Phan Thị Thanh Phương khẳng định.

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, nhiều sản phẩm tình nguyện mang tính chuyên môn sâu ra đời, hoạt động chuyên nghiệp và các chiến sĩ tình nguyện tiếp nối nhau thực hiện. Điều này đã tạo thêm niềm tin, sự ủng hộ của người dân với hoạt động thanh niên.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp hình với các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng)

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Hoàng Năng cho rằng, dù sau đó chiến dịch "Ánh sáng văn hóa Hè" phát triển thêm ở nhiều địa bàn, nhiều nội dung phong phú ở mức nào đi nữa song các phong trào và các chiến dịch của Đoàn chỉ thành công khi tổ chức Đoàn phát triển đúng nhu cầu của xã hội để từ đó nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, góp phần tạo nên sức mạnh của phong trào. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Năng, tổ chức Đoàn các cấp phải phát huy tính được năng động và ước mơ cống hiến của từng bạn đoàn viên và hướng năng lượng tích cực đó vào hoạt động có ích cho cuộc sống. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần khai thác được tiềm lực của xã hội và nhân dân, tạo môi trường, điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên phát triển, trưởng thành.

Phong trào tình nguyện của thanh niên TP. HCM 30 năm qua đã đón nhận sự tham gia của hơn 4.868.675 lượt đoàn viên, trong đó Chiến dịch tình nguyện "Mùa Hè Xanh" có 2.023.588 chiến sĩ, Chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" có 393.784 chiến sĩ, Chiến dịch tình nguyện "Kỳ nghỉ Hồng" có 396.408 chiến sĩ, Chiến dịch tình nguyện "Hành quân Xanh" có 184.532 chiến sĩ, Chương trình "Tiếp sức mùa thi" có 117.584 tình nguyện viên, Chương trình "Gia sư áo xanh" có 6.320 tình nguyện viên tham gia. Đặc biệt, ngoài lực lượng chiến sĩ là đoàn viên, thanh niên, học sinh của TP. HCM, Chiến dịch tình nguyện "Mùa Hè Xanh" đã tiếp nhận 1.335 chiến sĩ là sinh viên, thanh niên tình nguyện các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia… và hơn 6.750 lượt văn nghệ sĩ trẻ tham gia.

Nhóm phóng viên

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoi-uc-dep-cua-nhung-sinh-vien-the-he-dau-tham-gia-phong-trao-tinh-nguyen-anh-sang-van-hoa-he-post1566687.tpo