Hội thảo 'Nông thôn mới trong sáng tác văn học nghệ thuật'

Sáng 16-11, tại TP Thái Bình, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Bình đăng cai tổ chức Hội thảo “Nông thôn mới trong sáng tác văn học nghệ thuật”. Đây là hoạt động thường niên của Nhóm Hợp tác phát triển VHNT 10 tỉnh, thành phố phía Bắc trong 8 năm qua.

Dự Hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại biểu đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo, văn nghệ sĩ các Hội VHNT phía Bắc.

Xây dựng Nông thôn mới là Chương trình mục tiêu Quốc gia có ý nghĩa chiến lược và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là sự ra đời và là nguồn nuôi dưỡng cho kho tàng văn nghệ dân gian, văn học nghệ thuật bác học đa dạng, độc đáo, sinh động, giàu biểu cảm, giàu hình ảnh, đượm chất nhân văn. Đây là đề tài vô tận cho các văn nghệ sĩ thâm nhập, tìm hiểu, chuyển hóa bằng các tác phẩm VHNT có giá trị, có sức sống trường tồn trong đời sống xã hội.

Mười tham luận trình bày tại Hội thảo đã đi sâu phân tích, kiến giải, luận bàn nhiều vấn đề đặt ra hiện nay đối với giới văn nghệ sĩ trong thay đổi cách viết, nâng cao chất lượng và quảng bá các tác phẩm VHNT tới công chúng.

Đối với đề tài viết về Nông thôn mới, đa số các tham luận cho rằng phần lớn các tỉnh, thành đều có cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nên đây chính là một thuận lợi để VHNT có chất liệu, có cảm hứng sáng tác. Bám sát đời sống kinh tế, chính trị, xã hội chính là đưa những không gian văn hóa, những chủ trương, đường lối, những nhân tố nông thôn mới vào từng tác phẩm.

Tuy số lượng các tác phẩm về chủ đề xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua không lớn, nhưng đã phần nào cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ người viết, sáng tác VHNT. Vấn đề đặt ra hiện này là để có những tác phẩm hay, phản ánh sinh động, sâu sắc, thuyết phục thực tiễn cuộc sống thì đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải hòa nhập với cuộc sống, sống cuộc sống của người dân, cùng vui cùng buồn với nhân dân. Qua đây, mới nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người nông dân và kịp thời động viên những nỗ lực của họ trong xây dựng Nông thôn mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31285702-hoi-thao-%e2%80%9cnong-thon-moi-trong-sang-tac-van-hoc-nghe-thuat%e2%80%9d.html