Hội thảo khoa học Đức Vương Ngô Quyền trong tâm thức Việt

Ngày 15/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và UBND huyện Tam Nông tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Đức Vương Ngô Quyền trong tâm thức Việt'.

Toàn cảnh hội thảo

Tới dự hội thảo có các đại biểu Trung ương: Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long; GS.TS Từ Thị Loan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Hội khảo cổ, Viện Sử học; đại biểu một số trường đại học chuyên ngành và dòng họ Ngô Việt Nam. Về phía tỉnh Phú Thọ có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; huyện Tam Nông cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Lãnh đạo huyện Tam Nông phát biểu khai mạc hội thảo.

Đức Vương Ngô Quyền đã đi vào lịch sử là người anh hùng giải phóng dân tộc, người đặt dấu chấm hết cho sự chiếm đóng nước Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập của Việt Nam sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Người anh hùng ấy đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang lừng trong lịch sử. Vị trí đứng đầu, vai trò mở nước của Đức Vương Ngô Quyền đã được khẳng định trong lịch sử.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phát biểu tham luận tại hội thảo.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long tổ chức khảo sát tại đình Hàng Kênh, Từ Lương Sâm, khu di tích Bạch Đằng Giang và các di tích liên quan ở Hải Phòng; Lăng Ngô Quyền và các đền thờ ở Đường Lâm, Sơn Tây, Quốc Oai (Hà Nội); Tiên Lữ (Hưng Yên); cụm đền Tam Canh ở Vĩnh Phúc và đặc biệt là Đền Chẹo ở xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tại Đền Chẹo có bức hoành phi rất đặc biệt “Sáng Nam Từ”. Bức hoành phi với ý nghĩa mang tầm quốc gia như vậy lại được đặt trong ngôi đền của một làng ở xa căn cứ địa và nơi diễn ra trận đánh lịch sử của Đức Vương Ngô Quyền đặt ra câu hỏi cần giải mã: Làng Chẹo có phải là một trong những nơi luyện quân, tập trận của Ngô Quyền không? Luyện quân, tập trận vào thời kỳ nào trong sự nghiệp của Đức Vương? Và ai là tác giả bức hoành phi có ý nghĩa khẳng định công lao mở nước của Đức Vương Ngô Quyền?

Hội thảo khoa học nghiên cứu về Đức Vương Ngô Quyền được tổ chức nhằm một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí mở nước của Đức Vương với sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử, văn hóa của Trung ương và địa phương. Hội thảo lần này còn đặt ra nhiệm vụ lý giải một cách thuyết phục về sự sùng kính Đức Vương Ngô Quyền trong tâm thức người Việt thông qua các tài liệu và sự khảo sát tại chỗ nơi thờ tự Đức Vương với những dấu ấn, thông điệp làm rõ hơn sự nghiệp và tầm ảnh hưởng của Ngài trong đời sống nhân dân theo dòng lịch sử tới tận ngày nay. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Những vấn đề chung về Đức Vương Ngô Quyền và triều đại nhà Ngô trong lịch sử; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với Đức Vương Ngô Quyền ở các địa phương; lễ hội Đền Chẹo tôn vinh ngày lên ngôi của Đức Vương Ngô Quyền; phát huy giá trị di sản thờ cúng Ngô Quyền tại lễ hội Đền Chẹo thôn Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ...

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp ý kiến tham luận.

Tại hội thảo, lãnh đạo huyện Tam Nông mong muốn các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục bàn bạc nhằm làm sáng tỏ hơn các vấn đề liên quan đến Đức Vương Ngô Quyền, Đền thờ Ngô Quyền (Đền Chẹo) ở xã Thanh Uyên, từ đó giúp nhân dân địa phương có nhận thức sâu sắc hơn về di tích, lễ hội và Đức Vương Ngô Quyền. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành quan tâm, xem xét giúp đỡ huyện hoàn thiện hồ sơ xây dựng Đền Chẹo là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, tạo điều kiện để huyện tiếp tục đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ phục dựng lễ hội đảm bảo đầy đủ, trang trọng hơn, xứng tầm là nơi thờ tự vị vua của dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến du lịch tâm linh thời gian tới.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-duc-vuong-ngo-quyen-trong-tam-thuc-viet/208488.htm