Hội thảo 'Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn'

Chiều nay, 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Hội thảo 'Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn', do Báo Nhân Dân tổ chức.

Phối cảnh dự kiến cầu Thủ Thiêm 4. (Ảnh: Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh)

Hội thảo sẽ là diễn đàn để các kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế, đô thị, nhà quản lý cùng nhau thảo luận, hiến kế, tìm ra giải pháp ưu việt, từ đó tư vấn cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và lựa chọn phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không phù hợp.

Cầu Thủ Thiêm 4 là dự án nằm trong danh mục các công trình thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cảng Tân Thuận, một vị trí sẽ chịu tác động khi cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng. (Ảnh: Thành Đạt)

Sau khi được hoàn thành, cây cầu sẽ tạo nên trục giao thông quan trọng, kết nối giữa thành phố Thủ Đức qua Quận 7, từ đó góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay ở đường Huỳnh Tấn Phát-Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế Khu đô thị mới phía nam cũng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đặc biệt, trong tầm nhìn dài hạn, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông theo hướng bắc-nam thành phố khi theo dự báo giao thông đến năm 2040 có hơn 69.000PCU lưu thông qua cầu hằng ngày.

Vị trí dự kiến của cầu Thủ Thiêm 4. (Ảnh: Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh)

Một trong những yếu tố đang được doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy cũng như các chuyên gia đặc biệt quan tâm là tĩnh không thông thuyền (được tính từ mực nước cao nhất đến gầm cầu). Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, liên quan tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 hiện đang có rất nhiều phương án, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất lựa chọn giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

Theo thiết kế trước đây, tĩnh không thông thuyền của Cầu Thủ Thiêm 4 chỉ cao 10m. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, đô thị, kiến trúc sư lo ngại: Với phương án trên, Cảng Sài gòn sẽ trở thành ốc đảo, không còn tàu ra vào, đánh mất lợi thế của một cảng đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch, cản trở mục tiêu chuyển đổi công năng, làm mất đi cảnh trên bến dưới thuyền của một thương cảng vốn đã làm nên thương hiệu của Thành phố Sài Gòn xưa.

Thiết kế của cây cầu cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết định diện mạo mới của khu vực cảng Sài Gòn vốn đã gắn với lịch sử thành phố hơn 300 năm, chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng: Sông Sài Gòn, cảng Nhà Rồng-Khánh Hội chứa đựng cả một không gian văn hóa, cùng những giá trị lịch sử quý báu. Chính tại nơi đây, vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam và bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc ta khỏi ách thống trị đàn áp của thực dân Pháp.

Thương cảng Sài Gòn (khởi thủy từ bến Bạch Đằng đến Khánh hội – Tân thuận) đã từng nằm trong "Top ten" các cảng hàng đầu thuộc đế chế Pháp. Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã có kế hoạch mở rộng Thương cảng Sài Gòn từ Khánh Hội ra Nhà Bè và Cần Giờ, trong đó có cả một cảng thủy phi cơ ở vịnh Gành Rái.

Ngày nay, Cảng Sài Gòn đang được chuyển đổi công năng, một trong những định hướng đang nghiên cứu là chuyển thành Cảng Du lịch Quốc tế. Song song với việc phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại đẳng cấp tương xứng với công năng mới, chốn xưa của Thương cảng Sài Gòn cần được gìn giữ cảnh quan và kiến tạo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tiến hành kinh tế di sản.

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý đường thủy, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khu bến cảng Nhà Rồng-Khánh Hội có cơ sở hạ tầng cầu bến sẵn có. Hiện nay cảng Sài Gòn vẫn đang tiếp tục khai thác khu bến, tiếp nhận nhiều tàu khách du lịch quốc tế và cả các tàu quân sự theo các chương trình thăm viếng trong hợp tác quốc phòng của nước ta với các nước. Do đó, với cơ sở này thì việc cải tạo, chuyển đổi công năng thành cảng hành khách quốc tế và nội địa với quy mô tầm cỡ, nhà ga hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách quốc tế và du lịch bằng đường thủy của Thành phố trong tương lai.

“Như vậy với cơ sở hạ tầng cầu bến sẵn có của khu Nhà Rồng-Khánh Hội thì việc cải tạo, chuyển đổi công năng thành cảng hành khách quốc tế và nội địa với quy mô tầm cỡ, nhà ga hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách quốc tế và du lịch đường thủy của Thành phố trong tương lai”, ông Hà Thanh Sơn phân tích

Từ nhận định này, có thể kỳ vọng, thiết kế của cây cầu cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết định diện mạo mới của khu vực cảng Sài Gòn, qua đó khai thác tiềm năng to lớn về du lịch, dịch vụ, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị mà vẫn giữ được bản sắc giá trị của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội.

Toàn cảnh sông Sài Gòn nhìn phía thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Thành Đạt)

Đánh giá dưới góc độ kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước. Với 1.800m2 tàu cảng, nên dành ít nhất 1.500m2 để làm bến tàu. Ở trên bờ, xây dựng khu vực này thành nơi khai thác kinh tế đêm với công viên, các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí…

Đánh giá trên góc độ kỹ thuật, ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nằm sát Cảng Nhà Rồng. Đây là vị trí hạ lưu, nơi sông Sài Gòn đổ ra biển. Về nguyên tắc, càng xuống gần hạ lưu, tĩnh không cầu mới không nên thấp hơn chiều cao tĩnh không của các cầu phía trên.

Các chuyên gia cho rằng, việc tính toán tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 cần đặc biệt lưu ý tới các yếu tố ảnh hưởng tới các địa danh lịch sử, đặc biệt là Cảng Nhà Rồng. (Ảnh: Thành Đạt)

“Chiều cao tĩnh không của cầu phải phụ thuộc vào tuyến đường thủy nội địa khu vực đó thuộc cấp nào, bởi mỗi cấp có quy định cụ thể về chiều cao tĩnh không tối thiểu. Với vị trí rất gần biển, tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 cần được tính toán kỹ để có thể đón các tàu cỡ lớn vào”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam nêu quan điểm.

Theo quy hoạch Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, dự báo lượng hành khách thông qua cảng biển Thành phố từ 200.000 đến 204.000 lượt.

Một thực tế cũng đang được các sở ngành chức năng thành phố tính toán, để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đó là trong những năm qua các tàu khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh đều phải cập tạm vào các bến cảng hàng hóa. Trong khi việc đón trả khách tại các bến cảng hàng hóa không có nhà chờ và tiện nghi phục vụ khách du lịch quốc tế đã làm giảm rõ rệt sức hấp dẫn của du khách đến Việt Nam bằng đường biển.

Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với phương án thiết kế thế nào để Cảng Sài Gòn tiếp tục đón nhận khách du lịch tàu biển để thúc đẩy sự phát triển của du lịch Thành phố, lại vừa bảo tồn được những di sản, những giá trị lịch sử là những câu hỏi sẽ được thảo luận tại Hội thảo lần này.

Hội thảo sẽ chính thức diễn ra vào chiều ngày 18/8 và được tường thuật trực tiếp trên Báo Nhân Dân điện tử, tại địa chỉ: www.nhandan.vn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-thao-anh-huong-cua-tinh-khong-cau-thu-thiem-4-den-tiem-nang-phat-trien-du-lich-khu-vuc-cang-sai-gon-post767905.html