Hội sách lớn nhất thế giới bắt nguồn tại Frankfurt hơn 500 năm trước

Hội sách Frankfurt không có ngày thành lập chính thức, nhưng có thể khẳng định rằng vào năm 1462, một sự kiện đã phát triển hội chợ dành cho giới in ấn và xuất bản.

Hình ảnh tại hội sách Frankfurt năm 2014. Ảnh: Reuters.

Ngang qua Quảng trường Römer của Frankfurt, một người đàn ông không cao và cũng không có gì nổi bật ở bất kỳ phương diện nào đang vui vẻ sải bước về phía trước. Bên ngoài chiếc áo sơ mi vải lanh có cài cúc cao, ông mặc một chiếc áo khoác lông thú ngắn - có lẽ là để xua tan cái lạnh mùa thu.

Đôi khi, ông chộp lấy chiếc mũ beret của mình khi những cơn gió bất ngờ chực thổi bay nó. Sau đó, không biết từ đâu, một cỗ xe tứ mã chất đầy hàng chục thùng gỗ nặng băng qua đường rồi rẽ vào phố Mentzer, khiến người đàn ông phải đột ngột dừng bước.

Hầu như mọi người ra ngoài vào tầm này, dù đi bộ, cưỡi ngựa, hoặc di chuyển bằng xe chở hàng hay xe ngựa, tất thảy đều chất đầy các gói hàng, sách vở và các cuộn giấy. Những người thợ mộc đã dựng các gian hàng trải dài từ Quảng trường Römer tới tận cổng thành và bờ sông Main.

Trước hầu hết ngôi nhà có vẻ ngoài sang trọng tại một trong những con phố hẹp mà sau này được mệnh danh là Buchgasse, hoặc Ngõ Sách - các thùng, sọt và gói hàng đang được dỡ ra từ các toa xe và đưa đến một lối vào có mái vòm. Dù là kẻ trên lưng ngựa hay người ngồi xe thì đều mỏi mắt dõi tìm một quán trọ.

Về phần người đàn ông, ông ta vẫn tiếp tục đi về Cổng Holt có đầu hồi hẹp để tới bờ sông Main, nơi một trong hai chiếc cần trục gỗ đang tháo dỡ các thùng hàng từ những con tàu neo đậu tại bến cảng. Tại đây, ông dừng lại một chút để hỏi một trong những người đánh xe đang đợi ở đó.

Đang bận vỗ về đám ngựa lồng lên vì tiếng rít của cần trục, người này chỉ ra phía hạ lưu cách đó không xa về phía Cổng Leonhard, nơi một chiếc cần trục khác đang trong quá trình tháo dỡ hàng từ một con tàu lớn hơn - tàu chợ từ Mainz. Người đàn ông đưa tay lên, bộc lộ một cử chỉ cảm ơn thoáng qua còn người đánh xe gật đầu đáp lại, tỏ vẻ kính trọng trước khi quay trở lại với đám ngựa của mình.

Một người quan sát thời hiện đại quen thuộc với thời kỳ này sẽ ngay lập tức nhận ra người đàn ông kia có cử chỉ và phong thái của một quý ông, nhưng trang phục trên người lại cho thấy ông đã rơi vào cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, không có đáp án tức thì nào cho những băn khoăn của chúng ta về lý do đưa ông tới đây, hoặc chính xác thì ông trông đợi điều gì ở con tàu đến từ Mainz. Đó có thể đơn thuần là một bức thư tín, nhưng cũng có thể là những trang in thử từ người sắp chữ, giấy, giấy da, hoặc thậm chí là tiền mà bạn ông, Conrad Humery, đồng thời cũng là một luật sư, gửi gấp tới Frankfurt.

Những gì mà chúng ta biết là người đàn ông này, người đã vội vã băng qua cơn mưa vào đêm trước khi tiếng chuông khai mạc Hội chợ Frankfurt vang lên, không ai khác chính là Johannes Gensfleisch vùng Mainz, đồng thời cũng là nguồn gốc cho tên gọi Gutenberg của xưởng in.

Việc Gutenberg có thể không hề phù hợp chính xác với hình dung tưởng tượng của chúng ta là hoàn toàn có thể xảy ra vì không có bức ảnh hoặc mô tả đương thời nào về ông.

Vài thế kỷ sau, Eduard Schmidt von der Launitz, học trò cưng của nhà điêu khắc tân cổ điển vĩ đại người Đan Mạch Bertel Thorwaldsen, đã khắc họa hình ảnh của một người đàn ông cao lớn, cương nghị với nét mặt cổ điển - một hình tượng đã được sử dụng làm mẫu cho tượng đài bằng đá và đồng được dựng lên nhân dịp lễ kỷ niệm Gutenberg được tổ chức vào năm 1837 tại Frankfurt.

Đáng chú ý, bức tượng đồng kỷ niệm tương tự ngày nay vẫn còn đứng ở Quảng trường Goethe nổi tiếng của Frankfurt và vẫn là đối tượng của những ánh nhìn ngưỡng mộ. Tuy nhiên, sự thật là bức tượng hiện tại phần nhiều là trí tưởng tượng của người tạo ra nó, cũng như kịch bản mà chúng ta đã vẽ ra bên bờ sông Main vào năm 1454.

Nghiên cứu lịch sử chuyên sâu về cuộc đời của Gutenberg bắt đầu vào thế kỷ XIX tại thời điểm mà người ta nhận thức được sự khao khát đối với các anh hùng dân tộc. Sau khi được khắc họa, thời gian đã biến sự miêu tả phổ biến này về Gutenberg thành một hình tượng lỗi lạc, cho đến khi tính xác thực của nó, cuối cùng, được coi là bất khả xâm phạm - một huyền thoại riêng biệt được định sẵn để khắc sâu vào tâm trí các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng huyền thoại về Gutenberg có chút tương đồng với thực tế. Ông hoàn toàn và đơn thuần là một con người của thời đại: “Chỉ có thể hiểu Gutenberg là một con người của thời đại ông […] Tính cách của ông là sự kết hợp giữa một đại diện trung thành của lề lối cũ, chấp nhận phục tùng số phận và trật tự mới của các nhà phát minh theo đuổi tri thức ngày càng nhiều hơn trong một xã hội mới, đang đâm chồi nảy lộc của mối quan hệ kinh tế tư sản thời kỳ đầu hàng hóa và tiền tệ”.

Liệu Gutenberg có thực sự đi qua Frankfurt vào tháng 10/1454 không? Đó là một chuyện không chắc chắn. Người ta thậm chí không thể xác định liệu ông có lưu lại thành phố này vào thời điểm đó hay không. Về vấn đề này, quan điểm của các nhà nghiên cứu cũng có những khác biệt đáng kể.

[...]

Chúng ta đã bắt đầu chương đầu tiên trong lịch sử của Hội sách với bằng chứng - có thực hoặc tưởng tượng - về sự hiện diện của Gutenberg ở Frankfurt. Tuy nhiên, chắc chắn nếu không có thiên tài phát minh của người đàn ông này thì việc buôn bán sách sẽ không thể phát triển nhanh chóng như vậy, cũng như không thể xác định chắc chắn tương lai của các hội sách Frankfurt và Leipzig… Rất lâu trước thời Gutenberg, Chợ sách Frankfurt đã hoạt động như một phần của Hội chợ Frankfurt lớn hơn và nổi tiếng hơn.

Bằng chứng ban đầu về một thị trường rộng lớn ở Frankfurt, như đã lưu ý từ trước, có từ năm 1074. Chưa đầy hai trăm năm sau, vào ngày 11/7/1240, trong khi bao vây Ascoli, Hoàng đế Frederick II đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng về “Tự do Hội chợ”:

"Ta, Frederick, Hoàng đế La Mã Thần thánh chịu Ân điển của Chúa, đồng thời là Vua của vùng Jerusalem và Sicily, muốn loan báo cho cả thế giới biết rằng ta sẽ mở rộng sự bảo vệ cá nhân của chính ta và Đế chế của mình với mỗi người đến Hội chợ ở Frankfurt. Không ai được làm hại hoặc cản trở họ dưới bất kỳ hình thức nào cho dù họ đang trên đường tới Hội chợ Frankfurt hoặc rời đi. Bất cứ ai dám làm điều đó sẽ đối diện với cơn thịnh nộ của Hoàng đế. Ta đưa ra tuyên bố này nhằm nhấn mạnh mệnh lệnh trên và đã phê chuẩn bằng cách đóng dấu hoàng gia vào đó. Được ban hành trong trại dã chiến tại cuộc bao vây Ascoli vào ngày 11 tháng 7 năm 1240".

Việc bán các cuốn sách chép tay đã được thực hiện tại Hội chợ này ngay từ đầu. Vào năm 1422, việc Johannes Fust, người sau này tiếp quản công việc in ấn của Gutenberg, đã kinh doanh sách viết tay là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vị doanh nhân này đã bán các bản thảo cũ tại Hội chợ Frankfurt, và với tư cách là người buôn bán sách viết tay, ông đã đi khắp các thành phố đại học. Đến năm 1449, có lẽ ông đã tình cờ thiết lập mối quan hệ kinh doanh với Gutenberg, vì xưởng của Gutenberg ở Mainz cần một nhà buôn để tiếp thị sản phẩm.

Lúc này, Gutenberg, do không thể trả được khoản tiền đã vay Fust, buộc lòng phải nhượng lại cơ sở in ấn tại Mainz với những người thợ lành nghề và các mẫu chữ đặc biệt có giá trị, cộng thêm cả 180 cuốn Kinh Thánh 42 dòng mỗi trang mà ông vừa in xong. Fust trưng bày các bản in tại Hội chợ Frankfurt. Peter Schöffer, người từng là thợ học việc tài năng của Gutenberg, đảm nhận vị trí quản lý việc in ấn, trong khi Johannes Fust là chủ nhà in trên hợp đồng.

Do bất ổn chính trị ở Mainz ngày càng gia tăng, Fust và Schöffer quyết định chuyển đến Frankfurt vào năm 1462 để thuận tiện cho việc bán hàng tại Hội chợ Frankfurt.

Hai năm sau, Fust qua đời, còn người vợ góa của ông là Grede Fust đã tái giá với Konrad Henkis ở Gudensberg, mang theo xưởng in Gutenberg làm của hồi môn. Do đó, Peter Schöffer và Konrad Henkis đã trở thành chủ xưởng in và xuất bản đầu tiên cung cấp sách in tại Hội chợ Frankfurt.

Hơn 500 năm sau, thương hiệu Fust-Schöffer vẫn tô điểm cho tất cả các thư từ chính thức từ Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt Exchange cho đến năm 1987.

Kết luận, cần nhấn mạnh rằng Hội sách Frankfurt không có ngày thành lập chính thức; tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chậm nhất thì vào năm 1462 sự kiện này đã phát triển thành hội chợ dành cho giới in ấn và xuất bản.

Peter Weidhaas/NXB Thế giới & Omega+

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-sach-lon-nhat-the-gioi-bat-nguon-tai-frankfurt-hon-500-nam-truoc-post1423893.html